Ngày 11/11/2011, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật Khiếu nại. Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh Công bố Luật Khiếu nại và Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2012.
Luật Khiếu nại năm 2011 gồm 8 chương và 70 điều.
Chương I: Những quy định chung
Chương này gồm 6 điều, từ Điều 1 đến Điều 6, quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại; về giải thích từ ngữ; áp dụng pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại; nguyên tắc khiếu nại và giải quyết khiếu nại; trách nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nại và các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương II: Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính
Chương này gồm có 10 điều, từ Điều 7 đến Điều 16, chia làm 2 mục:
- Mục 1 quy định về khiếu nại, gồm 5 điều, từ Điều 7 đến Điều 11, quy định về trình tự khiếu nại; hình thức khiếu nại; thời hiệu khiếu nại; rút khiếu nại; các khiếu nại không được thụ lý giải quyết.
- Mục 2 quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại và của Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, gồm 5 điều, từ Điều 12 đến Điều 16, quy định quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại; quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại; quyền, nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần đầu; quyền, nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần hai; quyền, nghĩa vụ của Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý.
Chương III: Giải quyết khiếu nại
Chương này gồm 19 điều, từ Điều 17 đến Điều 46, chia làm 4 mục:
- Mục 1 quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, gồm 10 điều, từ Điều 17 đến Điều 26, quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương; thẩm quyền của Giám đốc Sở và cấp tương đương; thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, thuộc cơ quan ngang bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; thẩm quyền của Bộ trưởng; thẩm quyền của Tổng Thanh tra Chính phủ; thẩm quyền của Chánh Thanh tra các cấp; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
- Mục 2 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu, gồm 9 điều, từ Điều 27 đến Điều 35, quy định về thụ lý giải quyết khiếu nại; thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu; xác minh nội dung khiếu nại; tổ chức đối thoại; quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính; hồ sơ giải quyết khiếu nại và áp dụng biện pháp khẩn cấp.
- Mục 3 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai, gồm 8 điều, từ Điều 36 đến Điều 43, quy định về thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai; thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai; xác minh nội dung khiếu nại lần hai; tổ chức đối thoại lần hai; quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại; khởi kiện vụ án hành chính và hồ sơ giải quyết khiếu nại lần hai.
- Mục 4 quy định về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, gồm 3 điều, từ Điều 44 đến Điều 46, quy định về quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
Chương IV: Khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức
Chương này gồm 12 điều, từ Điều 47 đến Điều 58, quy định về khiếu nại quyết định kỷ luật; thời hiệu khiếu nại; hình thức khiếu nại; thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại; thẩm quyền giải quyết khiếu nại; xác minh nội dung khiếu nại; tổ chức đối thoại; quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; giải quyết khiếu nại lần hai; quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính và thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật.
Chương V: Tiếp công dân
Chương này gồm 4 điều, từ Điều 59 đến Điều 62, quy định về trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân; quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân; trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân, người phụ trách trụ sở, địa điểm tiếp công dân.
Chương VI: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc quản lý công tác giải quyết khiếu nại
Chương này gồm 4 điều, từ Điều 63 đến Điều 66, quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại; trách nhiệm của Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Chương VII: Xử lý vi phạm
Chương này có 02 điều, Điều 67 và Điều 68, quy định về xử lý hành vi phạm pháp luật của người giải quyết khiếu nại và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại đối với người khiếu nại và những người khác có liên quan.
Chương VIII: Điều khoản thi hành
Chương này có 02 điều, Điều 69 và Điều 70, quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp và quy định chi tiết.