TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƠN LA THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN TIẾNG ANH THEO ĐANN
Thực hiện quyết định số 953/QĐ-SGDĐT về việc “Phê duyệt chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên năm 2023”, Bộ môn Ngoại ngữ - Trường Cao Đẳng Sơn La đã xây dựng nội dung và tổ chức chương trình bồi dưỡng Tiếng Anh cho 08 lớp tại các huyện: Sốp Cộp, Sông Mã, Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn và Bắc Yên.
Mỗi lớp bồi dưỡng thực hiện trong thời gian 05 ngày. Giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng được hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học, biên soạn đề kiểm tra trong chương trình sách giáo khoa lớp 8 Chương trình Giáo dục phổ thông 2019 (bộ Right-on và I learn Smart World). Đồng thời, nắm được một số kỹ thuật dạy học tích cực trong giảng dạy chương trình.
Đặc biệt, giáo viên tham gia khóa bồi dưỡng được thực hành giảng dạy trên đối tượng học sinh thực tế tại một số trường có cấp THCS có nhiều đối tượng học sinh có năng lực học tập khác nhau, học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện có giáo viên thuộc đối tượng tập huấn theo thời khóa biểu của nhà trường. Từ đó, trao đổi, rút kinh nghiệm và chia sẻ những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện bộ sách giáo khoa mới phù hợp với đối tượng học sinh tại các huyện.
Một số hình ảnh của khóa bồi dưỡng:
Học viên lớp Mai Sơn A hăng say trao đổi kinh nghiệm giảng dạy bộ sách Tiếng Anh 8 (Right on)
Giờ dạy thực hành của thầy giáo TH-THCS thị trấn Bắc Yên
Dự giờ dạy thực hành và rút kinh nghiệm giờ dạy tại trường THCS Nậm Lạnh – Sốp Cộp
Học sinh lớp 7 trường THCS Nội trú huyện Sông Mã chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài
Chương trình tập huấn đã đạt được một số mục tiêu đề ra: Giáo viên nắm được yêu cầu về xây dựng kế hoạch dạy học, biên soạn đề kiểm tra đối với sách giáo khoa tiếng Anh lớp 8 Chương trình GDPT 2018; biết cách áp dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp trong từng bài học cụ thể trong chương trình; biết biên soạn đề kiểm tra định kỳ đảm bảo đúng yêu cầu, phù hợp với đối tượng học sinh; biết điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy đối với các đối tượng học sinh khác nhau để giờ dạy đạt hiệu quả cao; biết cách trao đổi, rút kinh nghiệm đối với giờ dạy của đồng nghiệp để hỗ trợ đồng nghiệp cùng phát triển chuyên môn./.
Tin bài: Nguyễn Thị Châu Băng - Khoa Cơ bản
TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG RÈN KỸ NĂNG TÌM VIỆC CHO SINH VIÊN KHÓA 58 TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƠN LA
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Sơn La đã thường xuyên tiến hành tổ chức các hoạt động rèn kỹ năng mềm cho sinh viên. Thông qua hoạt động này sẽ trang bị cho sinh viên các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ hoạt động học tập và hoạt động nghề nghiệp sau này, để đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội.
Qua các buổi học các em được rèn kỹ năng tìm việc giúp các em tăng khả năng tìm được công việc phù hợp với mong muốn của bản thân, tự tin hơn trong giao tiếp với các nhà tuyển dụng, thích ứng được với thị trường lao động. Bên cạnh đó các em cũng được trang bị kiến thức về kỹ năng số và kỹ năng xanh.
Mỗi vị trí công việc có hàng trăm tin tuyển dụng, mỗi chuyên ngành có đến hàng chục vị trí công việc. Kỹ năng tìm việc không chỉ giúp bạn tìm thấy công việc tốt, mà còn tìm thấy nhanh nữa. Tốc độ và năng lực sẽ giúp bạn nâng cao năng lực cạnh tranh khi ứng tuyển. Đồng nghĩa, xác suất chinh phục thành công nhà tuyển dụng được nâng cao đáng kể.
Với một bầu không khí hào hứng, lối cuốn, hấp dẫn trong suốt quá trình tổ chức rèn kỹ năng tìm việc qua 4 nội dung: Kỹ năng khai thác thông tin việc làm; Kỹ năng làm hồ sơ xin việc; Kỹ năng phỏng vấn và kỹ năng giao tiếp. Mỗi nội dung giảng viên đã tổ chức cho các em sinh viên K58 tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực. Các em biết cách chỉ ra những phẩm chất và năng lực của bản thân là gì? thuộc kiểu cá tính, nhóm người nào từ đó giúp các em xác định định một số nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Trên cơ sở đó, các biết viết hồ sơ năng lực cá nhân phù hợp với vị trí ứng tuyển mà các em dự định sẽ làm sau khi tốt nghiệp. Các em được trải nghiệm, được hòa mình đóng vai trong các tình huống phỏng vấn xin việc, biết cách trả lời các câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra. Bên cạnh đó các em được rèn kỹ năng giao tiếp và biết cách xử lý các tình huống xảy ra trong cơ quan làm việc một cách hiệu quả.
Một số hình ảnh hoạt động rèn kỹ năng tìm việc cho sinh viên khóa 58
GV: Vũ Thị Hoa - Bộ môn TL-GD, khoa Cơ bản
Thông tin Hội nghị báo cáo kết quả Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, quán triệt nghị quyết đại hội XV công đoàn tỉnh Sơn La, nhiệm kỳ 2023-2028
Thực hiện Kế hoạch số 13 /KH-LĐLĐT ngày 29/10/2023 của Liên đoàn lao động tỉnh về việc tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả Đại hội XIII công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028. Theo công văn số 49/CĐN ngày 04/12/2023 của Công đoàn Ngành giáo dục Việt Nam về việc phân bổ số lượng đại biểu đến dự Hội nghị báo cáo kết quả Đại hội XIII công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 -2028, Đoàn công tác Công đoàn cơ sở trường Cao đẳng Sơn La do đồng chí Nguyễn Quang Sáng - Chủ tịch Công đoàn nhà trường làm trưởng đoàn và đại diện của 10 công đoàn bộ phận trực thuộc Công đoàn Cơ sở trường Cao đẳng Sơn La đã có mặt đầy đủ để tham dự Hội Nghị.
Hội nghị diễn ra từ14h00 đến 16h00 ngày 06/12/2023 tại Hội trường Trung tâm thành phố Sơn La, gồm các nội dung chính sau:
Phần thứ nhất
Hội nghị đã nghe đồng chí Vàng A Lả - Uỷ viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khóa XV báo cáo các nội dung cơ bản của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra từ ngày 1-3/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (TP Hà Nội) với gần 1,1 nghìn đại biểu tham dự. Sau 3 ngày làm việc, Đại hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Đại hội thống nhất số lượng ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 là 177 đồng chí, bầu tại Đại hội 168 ủy viên, khuyết 9 ủy viên sẽ kiện toàn sau Đại hội khi có nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Tại Hội nghị lần thứ nhất, BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam bầu đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam giữ chức Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII, bầu 5 đồng chí giữ chức Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội đã đề ra 7 nhóm chỉ tiêu hằng năm và 3 nhóm chỉ tiêu nhiệm kỳ. Các đại biểu thống nhất việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam và giao cho BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII hoàn thiện.
Đại hội xác định mục tiêu tổng quát của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đó là đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Đồng thời, tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý KT-XH; hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp người lao động gia nhập tổ chức công đoàn; đổi mới tuyên truyền, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỷ luật lao động, ý thức chấp hành pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Phần thứ 2
Hội nghị đã nghe đ/c Thái Thị Mai - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh khoá XV thông báo kết quả Đại hội Công đoàn tỉnh Sơn La lần thứ XV, tập trung nhấn mạnh 13 chỉ tiêu nhiệm kỳ 2023-2028 Công đoàn Sơn La, cụ thể:
03 chỉ tiêu nhiệm kỳ:
(1) Phát triển mới 6.000 đoàn viên. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 56.790 đoàn viên. Tối thiểu 65% Doanh nghiệp từ 15 đến dưới 25 lao động và 100% Doanh nghiệp từ 25 lao động trở lên thành lập Công đoàn cơ sở. Ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động do Công đoàn tổ chức.
(2) Ít nhất 83% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đủ điều kiện thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
(3) 100% số vụ việc của đoàn viên có nhu giải quyết tranh chấp lao độngtại Tòa án sẽ có đại diện công đoàn tham gia hoặc được công đoàn hỗ trợ
10 chỉ tiêu phấn đấu hằng năm:
(1) 95% trở lên đoàn viên, người lao động được học tập, quán triệt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, Nghị quyết Công đoàn các cấp.
(2) 100% công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập tổ chức Hội nghị CBCCVC. 90% CĐCS doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động.
(3) 100% công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khu vực nhà nước; 90% CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động triển khai thực hiện có hiệu quả Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
(4) 100% đoàn viên được tổ chức công đoàn chăm lo, hỗ trợ với hình thức phù hợp.
(5) 95% trở lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; 80% trở lên công đoàn cơ sở khu vực nhà nước và 55% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
(6) Bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 01 đoàn viên ưu tú cho các cấp ủy Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp Đảng.
(7) 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp; có từ 10% trở lên công đoàn cơ sở doanh nghiệp được công đoàn cấp trên kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
(8) 100% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đủ điều kiện thành lập Ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
(9) 100% Chủ tịch Công đoàn cơ sở bầu mới được đào tạo, bồi dưỡng với hình thức phù hợp.
(10) Công đoàn tham gia thúc đẩy để có ít nhất 65% người lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Hội nghị đã trao tặng những xuất quà hỗ trợ cho công đoàn viên khó khăn. Đồng chí Vũ Thị Hoa - Công đoàn viên CĐBP 9 thuộc Công đoàn cơ sở trường Cao đẳng Sơn La là một trong những đ/c được nhận quà hỗ trợ của Liên đoàn lao động tỉnh./.
Tin bài : Trần Thị Ánh Nguyệt- Chủ tịch CĐBP 9
Lịch sử và ý nghĩa về ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11
Dân tộc Việt Nam có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; “tôn sư trọng đạo”, truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm chính là ngày tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt những tri thức quý báu, dạy cách làm người cho bao thế hệ học trò nối tiếp nhau và là ngày hội của toàn dân, toàn xã hội để bày tỏ sự biết ơn đối với những người lái đò, đang ngày đêm cần mẫn với công việc trồng người.
Lịch sử ngày 20/11 nhằm tôn vinh người truyền đạt tri thức đã bắt đầu từ sự kiện tháng 1/1946, khi một tổ chức quốc tế mang tên FISE ra đời tại thủ đô Pháp để tập hợp các công đoàn giáo dục trên toàn thế giới. Đến năm 1949, tổ chức này đã xây dựng một bản “Hiến chương các nhà giáo” tại Hội nghị ở Thủ đô Vác-xa-va (Ba Lan). Nội dung hiến chương bao gồm 15 chương nói về việc đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Hưởng ứng bản “Hiến chương các nhà giáo”, năm 1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã gia nhập và trở thành thành viên của tổ chức quốc tế này. Sau ngày đất nước được thống nhất, các Nhà giáo Việt Nam đoàn kết nhất trí xây dựng nền giáo dục theo đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và ngày 20/11 đã trở thành truyền thống của Nhà giáo Việt Nam. Chính vì thế, ngày 28/9/1982 theo đề nghị của của ngành giáo dục, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.
Kể từ năm 1982, ngày 20/11 - Ngày Quốc tế hiến chương nhà giáo cũng chính là ngày Nhà giáo Việt Nam, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
Nghề giáo là nghề cao quý và với tinh thần tôn sự trọng đạo truyền thống của người Việt nên ngày 20/11 vốn đặc biệt càng trở nên ý nghĩa hơn. Bởi đây chính là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với người thầy, là luôn có tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả và còn có những người đã góp phần xây dựng cho đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cùng với đó, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng là dịp để ngành giáo dục nhìn lại và đánh giá hiệu quả của các hoạt động giáo dục và lập phương hướng trong dạy và học.
Vì vậy, hàng năm vào ngày 20/11 nhiều hoạt động kỉ niệm, tôn vinh, tri ân các thầy cô giáo được tổ chức trang trọng, ý nghĩa trên khắp cả nước, thể hiện ý nghĩa tốt đẹp của ngày Nhà giáo Việt Nam.
Hoàng Thị Thanh Thủy - GV khoa Cơ bản