Dân tộc Việt Nam có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; “tôn sư trọng đạo”, truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm chính là ngày tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt những tri thức quý báu, dạy cách làm người cho bao thế hệ học trò nối tiếp nhau và  là ngày hội của toàn dân, toàn xã hội để bày tỏ sự biết ơn đối với những người lái đò, đang ngày đêm cần mẫn với công việc trồng người.

Lịch sử ngày 20/11  nhằm tôn vinh người truyền đạt tri thức đã bắt đầu từ sự kiện tháng 1/1946, khi một tổ chức quốc tế mang tên FISE ra đời tại thủ đô Pháp để tập hợp các công đoàn giáo dục trên toàn thế giới. Đến năm 1949, tổ chức này đã xây dựng một bản “Hiến chương các nhà giáo”  tại Hội nghị ở Thủ đô Vác-xa-va (Ba Lan). Nội dung hiến chương bao gồm 15 chương nói về việc đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

Hưởng ứng bản “Hiến chương các nhà giáo”, năm 1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã gia nhập và trở thành thành viên của tổ chức quốc tế này. Sau ngày đất nước được thống nhất, các Nhà giáo Việt Nam đoàn kết nhất trí xây dựng nền giáo dục theo đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và ngày 20/11 đã trở thành truyền thống của Nhà giáo Việt Nam. Chính vì thế, ngày 28/9/1982 theo đề nghị của của ngành giáo dục, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Kể từ năm 1982, ngày 20/11 - Ngày Quốc tế hiến chương nhà giáo cũng chính là ngày Nhà giáo Việt Nam, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.

Nghề giáo là nghề cao quý và với tinh thần tôn sự trọng đạo truyền thống của người Việt nên ngày 20/11 vốn đặc biệt càng trở nên ý nghĩa hơn. Bởi đây chính là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với người thầy, là luôn có tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả và còn có những người đã góp phần xây dựng cho đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Cùng với đó, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng là dịp để ngành giáo dục nhìn lại và đánh giá hiệu quả của các hoạt động giáo dục và lập phương hướng trong dạy và học.

Vì vậy, hàng năm vào ngày 20/11 nhiều hoạt động kỉ niệm, tôn vinh, tri ân các thầy cô giáo được tổ chức trang trọng, ý nghĩa trên khắp cả nước, thể hiện ý nghĩa tốt đẹp của ngày Nhà giáo Việt Nam.

Hoàng Thị Thanh Thủy - GV khoa Cơ bản