II. CUỘC CMCN 4.0 VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN GIÁO DỤC LÒNG YÊU NƯỚC CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN
1. Đặc điểm của cuộc CMCN 4.0
Xã hội loài người đã trải qua ba cuộc CMCN, mỗi cuộc cách mạng đều có sự thay đổi sâu sắc về bản chất của trình độ sản xuất, do các phát minh đột phá của khoa học và công nghệ. Hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu, dựa trên những thành tựu khoa học và công nghệ đột phá trên nhiều lĩnh vực, với nền tảng là sự phát triển của một số công nghệ, điển hình như Internet và kết nối vạn vật, sự ra đời của các hệ thống điều khiển hữu hình, công nghệ robot và tương tác robot tiên tiến, các hệ thống sản xuất tự lập, công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây kết hợp với các công nghệ mới đặc thù như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới,… ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Điểm chung của các cuộc CMCN là gắn với sự thay đổi vật chất dựa trên nền tảng của ứng dụng về sự đột phá về khoa học - công nghệ đối với nền sản xuất, làm thay đổi cuộc sống.
Cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng có qui mô và tác động sâu rộng nhất. Cuộc cách mạng 4.0 được nhận diện lần đầu tiên trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được chính phủ Đức thông qua vào năm 2012. Đầu năm 2016, Diễn đàn kinh tế thế giới đã khai mạc với chủ đề “Làm chủ cuộc CMCN lần thứ tư”. Cuộc CMCN 4.0 được ra đời trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009 đặt ra những yêu cầu phải điều chỉnh, thậm chí phải thay đổi căn bản mô hình phát triển theo hướng cân bằng hiệu quả và bền vững hơn; sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế đối với các nước công nghiệp phát triển; xu hướng già hóa dân số; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Cuộc CMCN 4.0 diễn ra trên quy mô ngày càng được mở rộng với các đặc trưng Intemet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, phân tích dự liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu… [2], [3]. Trong đó, nó đã tạo ra những bước phát triển nhảy vọt, cụ thể:
- Thế giới được số hóa, tự động hóa ngày càng trở nên hiệu quả và thông minh hơn dựa trên ba lĩnh vực chính đó là: Lĩnh vực kỹ thuật số (bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối Intemet (loT), trí tuệ nhân tạo (AI), lĩnh vực công nghệ sinh học (Ứng dụng nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu). Lĩnh vực vật lý (Robot thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (grapheme, skymions…) công nghệ nano.
- Tính xử lý thông tin được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực.
- Sự hợp nhất không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số và sinh học.
2. Tác động của cuộc CMCN 4.0 đến công tác giáo dục lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam
Như vậy, thực chất của cuộc CMCN 4.0 là sự hình thành thế giới số (thế giới ảo) vốn dĩ là sự phản ánh phức tạp và sinh động thế giới vật lý (thế giới thực) cùng với sự kết nối giữa hai thế giới tạo nên sự biến đổi mang tính chất cách mạng tác động đến mọi đời sống xã hội, ở đó số hóa và dữ liệu hóa không chỉ tác động nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn làm thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh và phương thức sản xuất còn làm thay đổi cả mô hình sản xuất, đồng thời nó cũng tác động, làm thay đổi phương thức hoạt động của con người trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, đào tạo.
Cuộc CMCN 4.0 mang lại những lợi ích hết sức tích cực đối với đời sống xã hội, nhất là việc ứng dụng nó trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có GDLYN cho thế hệ trẻ. Thông qua các tiện ích do cuộc CMCN 4.0 mang lại, giới trẻ có thể tiếp cận để giải quyết mọi vấn đề một cách đơn giản và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, giới trẻ dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu, nâng cao nhận thức về giá trị truyền thống của dân tộc, tiếp thu cái đúng, cái tốt, cái phù hợp và lên án, bài trừ cái xấu, cái tốt sẽ làm cho họ yêu quê hương, đất nước hơn, sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm, cống hiến, thậm chí là hy sinh cho quê hương, đất nước mà mục tiêu cuối cùng đó là cùng toàn Đảng toàn quân và toàn thể nhân dân ta xây dựng một đất nước ngày càng giàu đẹp với mục tiêu: “Dân giàu, nước manh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Đảng ta đã xác định.
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đã có những tác động to lớn đến đời sống xã hội, tạo ra những cơ hội và thách thức đến mọi lĩnh vực thì việc GDLYN cho đoàn viên, thanh niên ở Trường Cao đẳng Sơn La ngày càng trở nên có ý nghĩa to lớn. Đoàn viên thanh niên nhà trường chủ yếu sinh sống trên địa bàn tỉnh nhà, lại đến từ nhiều dân tộc thiểu số khác nhau nên đứng trước tác động của cách mạng 4.0 họ cũng được tiếp cận với làn sóng thông tin rộng mở có thể học hỏi được nhiều điều bổ ích nhưng cũng đứng trước những thách thức và nhiễu loạn, xuyên tạc thông tin. Bởi vậy, để thể hiện tình yêu nước đúng cách, đúng nơi và đúng lúc, giới trẻ trong nhà trường cần tỉnh táo, trách nhiệm ngay từ việc click chuật bấm “like” hay “chia sẻ”, đồng thời cần tự hào là người Việt Nam, không ngừng định hướng, rèn luyện phát huy sở trường, đam mê của bản thân.
III. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG GÓP PHẦN GIÁO DỤC LÒNG YÊU NƯỚC CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƠN LA
Yêu nước là tình cảm thiêng liêng của dân tộc ta từ xưa đến nay. Lòng yêu nước của nhân dân ta có nguồn gôc sâu xa từ ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc. Yêu nước là đặt lợi ích của Tổ quốc, nhân dân lên trên hết, là chăm lo xây dựng quê hương đất nước, sẵn sàng chống đô hộ và xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, đối với mỗi người, lòng yêu nước phát triển từ những tình cảm bình dị và gần gũi đối với những người ruột thịt, dần dần phát triển thành tình cảm gắn bó với làng xóm, quê hương và cao hơn hết là tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc. Để thế hệ trẻ Trường Cao đẳng Sơn La thêm yêu, thêm tự hào và trân trọng lịch sử, trân quý những đóng góp của thế hệ đi trước, các hoạt động GDLYN cho thế hệ trẻ, nhà trường cần chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, xây dựng chương trình giáo dục... phù hợp với tâm lý lứa tuổi của họ cũng như phù hợp với đặc điểm ứng dụng các công nghệ, trong đó có công nghệ thông minh do cuộc cách mạng CMCN 4.0 mang lại. Trong đó, cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
1. Tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng Nhà trường, các tổ chức chính trị - xã hội để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay
Để hoạt động GDLYN cho thế hệ trẻ ngày càng quy củ, có chiều sâu thì trước hết cần có sự quan tâm lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp cho vấn đề này, sự quan tâm đó không chỉ là khơi dậy các giá trị truyền thống của dân tộc mà còn phải có những chủ trương, nghị quyết đúng đắn, sát với đặc điểm kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay cũng như phù hợp với tâm lý lứa tuổi của họ. Đây là yếu tố quyết định đến sự hình thành tình cảm, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cũng như hành động về quê hương, đất nước của đoàn viên, thanh niên tại nhà trường. Trong đó, việc “Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm [4].
2. Đổi mới nội dung, phương pháp, xây dựng chương trình giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ thông qua hoạt động giáo dục ở Trường Cao đẳng Sơn La
Bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc GDLYN cho thế hệ trẻ thì một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, đó là đổi mới phương pháp giảng dạy, trước hết người dạy cần không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, hình thành ở họ năng lực nghiên cứu độc lập cũng như khả năng tổ chức, sử dụng kiến thức và khả năng sáng tạo, trở thành nhân tố kích thích trí tò mò, sự ham hiểu biết của người học. Trong xu thế đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, “Lấy người học làm trung tâm” nhiều giảng viên đã không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực tay nghề sư phạm, năng lực tổ chức, điều hành tiết giảng, bài giảng. Trong đó, người dạy phải biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại để mang lại hiệu quả cao. Từ đó, góp phần GDLYN cho đoàn viên, thanh niên trong nhà trường.
3. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, các câu lạc bộ, hội nhóm… trong GDLYN cho thế hệ trẻ cũng như xây dựng động cơ tiếp thu các giá trị truyền thống của dân tộc nói chung, lòng yêu nước nói riêng ở thế hệ trẻ trong nhà trường. Thông qua những tổ chức này, các cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cũng như đội ngũ giảng viên tiến hành tuyên truyền tinh thần yêu nước về giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để chống phá sự nghiệp cách mạng ở nước ta…cho thế hệ trẻ để họ nâng cao cảnh giác, hình thành ý thức trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị xã hội trong nhà trường cần xây dựng động cơ tiếp thu các giá trị truyền thống của dân tộc ta nói chung và lòng yêu nước nói riêng một cách đúng đắn [5]. Trong bối cảnh các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện âm mưu thâm độc để chống phá sự nghiệp cách mạng của đất nước như “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”,… thì việc trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết về những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lại càng trở nên cấp thiết, góp phần cho thế hệ trẻ nâng cao nhận thức về đối tượng, đối tác để họ đối phó, phòng tránh. Trong đó, đội ngũ thầy cô giáo đóng vai trò rất quan trọng đến hình thành động cơ tiếp thu các giá trị truyền thống của dân tộc nói chung, lòng yêu nước nói riêng. Cùng với nắm vững kiến thức, tác phong chững chạc của người dạy cũng như sự hấp dẫn của nội dung bài học thì sự vận dụng khéo léo, linh hoạt, phù hợp có hiệu quả các phương pháp dạy học và nhất là cách giao tiếp thân thiện, nhiệt tình, tôn trọng, nghiêm túc, vui vẻ, quan tâm tới đối tượng tiếp nhận…các thầy cô giáo sẽ tạo những cảm xúc tích cực, góp phần hình thành động cơ thúc đẩy thế hệ trẻ tích cực học tập, nâng cao nhận thức và biến nó thành hành động yêu nước.
IV. KẾT LUẬN
Như vậy, GDLYN cho thế hệ trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong điều kiện hiện nay, nhất là trong bối cảnh tác động hết sức mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0. GDLYN của con người Việt Nam đối với quê hương đất nước và ý chí thúc đẩy họ hành động vì quê hương, đất nước. Trong bối cảnh CMCN 4.0 có những tác động to lớn đến đời sống xã hội, tạo ra những cơ hội và thách thức đến mọi lĩnh vực ở đời sống xã hội, trong đó có lĩnh giáo dục và đào tạo thì GDLYN cho thế hệ trẻ ngày càng trở nên cấp thiết. Đây cũng chính là yêu cầu đối với đoàn viên, thanh niên Trường Cao đẳng Sơn La hiện nay là cùng với trang bị kiến thức chuyên môn phải tăng cường GDLYN, đạo đức, lối sống, xây dựng hình ảnh đoàn viên, thanh niên vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vừa là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tâm tận lực học tập, rèn luyện để cống hiến xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; xứng đáng với khẩu hiệu “Thanh viên Việt Nam yêu nước, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập và phát triển”.
ThS. LÊ HUYỀN TRANG
Khoa Giáo dục Đại cương, Trường Cao đẳng Sơn La
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. V.I. Lênin Toàn tập, tập 41 (1977), Nbx Tiến bộ, Mátxcơva.
2. Tạ Thị Đoàn (2017), Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam, Tạp chí Công thương số 10 tháng 9.
3. Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Cách mạng công nghiệp 4.0, Thông tin chuyên đề số 08-TTCĐ/VPTW, ngày 10 tháng 8.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
5. Thích Nhật Từ (2019), Giáo dục đạo đức phật giáo trong nhà trường và xã hội, NXB Hồng Đức, Hà Nội.