Phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm là phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy sự chủ động sáng tạo của người học. Với phương pháp này, người học sẽ là người tự khai phá tri thức, thầy cô giáo chỉ là người hướng dẫn và cung cấp thông tin. Vai trò của người thầy lúc này là dẫn dắt, khơi gợi, truyền cảm hứng cho người học.  Để có thể là người hướng dẫn, người cung cấp thông tin…các thầy cô giáo phải có hiểu biết sâu sắc về những kiến thức cơ bản mình đảm nhiệm, đồng thời phải tự bổ sung vốn kiến thức của mình thường xuyên.

Dạy học bằng phương pháp lấy người học làm trung tâm nhằm giúp người học chủ động trong việc học, khám phá tiềm năng của chính mình và giáo viên sẽ giúp người học có được sự tự tin, có trách nhiệm với bản thân.  Thông qua hoạt động theo nhóm và thực hiện các hành động liên quan đến chủ đề học như thảo luận, hoạch định, giải quyết vấn đề, thuyết trình, làm thí nghiệm, để tìm kiến thức mới mà người học tham gia quyết định nội dung. 

Thầy, cô giáo có vai trò hướng dẫn, làm mẫu, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người học phát huy tính tự chủ, sáng tạo; còn người học thì có trách nhiệm với việc học của mình tích cực học tập và chủ động hơn.

Dạy học lấy người học làm trung tâm với tư tưởng chủ đạo là tổ chức cho người học hoạt động tích cực, sáng tạo, lấy tự học làm chính; lấy tập thể bổ trợ cho cá nhân; lấy máy móc thiết bị làm phương tiện học tập sẽ hình thành cho người học mạnh dạn, tự tin và làm chủ kiến thức hơn.

Việc phát triển phương pháp dạy học tích cực, học tập hợp tác không chỉ có ý nghĩa trong quá trình học tập ở nhà trường mà còn chuẩn bị cho người học hành trang kỹ năng tốt trong tương lai, phát triển tính cách tự lập, chủ động hơn trong làm việc, học tập và kỹ năng phát triển cảm xúc xã hội.

Thông qua phương pháp này, các em đã làm chủ được kiến thức và áp dụng vào thực tiễn một cạc linh hoạt. Mỗi giờ học của học phần Giáo dục hòa nhập là một lần các em được tự chủ với kiến thức, sự khám phá và sáng tạo./.

Một số hình ảnh từ tiết học:

  

Hà Thị Mai  Hoa- Trưởng BM Tâm lý-Giáo dục, Khoa Giáo dục Đại cương