Ông Trà Quyết Thắng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết: Năm 2020, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh ước tính trên 15 tỷ đồng, có 2 người chết, 6 người bị thương; 823 nhà bị tốc mái, sập đổ hoàn toàn hoặc phải di dời và thiệt hại nhiều tài sản khác của Nhà nước và nhân dân.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã  kiểm  tra,  khảo  sát,  nắm  bắt  tình  hình, báo cáo Trung ương Hội và được hỗ trợ 50 triệu đồng tiền mặt, 50 thùng hàng gia đình, 50 bộ dụng cụ sửa chữa nhà, kịp thời cứu trợ khẩn cấp cho các hộ dân bị thiệt hại.

Ngoài ra, Hội còn vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại thiên tai với tổng số tiền trên 80 triệu đồng, 4.560 chiếc bánh chưng, 4.000 kg gạo tẻ và các nhu yếu phẩm, nước uống, quần áo, chăn, màn, tổng trị giá hoạt động phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai năm 2020 ở các cấp Hội toàn tỉnh đạt gần 6,5 tỷ đồng, thực hiện cứu trợ cho 13.531 lượt người.

Còn Hội Chữ thập đỏ các huyện, thành phố cũng đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, tiêu biểu, như: Hội Chữ thập đỏ Thuận Châu cứu trợ kịp thời cho 880 hộ gia đình với số tiền, hàng trị giá trên 323 triệu đồng; Mộc Châu cứu trợ 250 lượt người, với số tiền, hàng trên 372 triệu đồng; Phù Yên cứu trợ 280 lượt người, trị giá gần 30 triệu đồng...

           

Bà Hoàng Thị Yên, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Mộc Châu, cho biết: Đợt mưa đá giông lốc năm 2020, huyện Mộc Châu bị ảnh hưởng nặng làm hư hỏng hàng trăm mái nhà và gây thiệt hại một số diện tích hoa màu, cây ăn quả, Hội CTĐ huyện đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hội chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ bao gồm 50 triệu đồng tiền mặt, 50 thùng hàng gia đình, 50 bộ dụng cụ sửa chữa nhà ở có tổng trị giá gần 150 triệu đồng chuyển trao cho hơn 100 gia đình tại các xã bị thiệt hại bởi mưa lốc, đây là sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực đối với các gia đình đang gặp khó khăn bị thiệt hại do thiên tai giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

           

Mùa mưa lũ năm nay, Hội CTĐ tỉnh đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai, thảm họa theo quy mô và phân cấp, cụ thể: quy mô trung bình (thiệt hại không nhiều - tương ứng cấp độ rủi ro thiên tai mức l và 2), Hội Chữ thập đỏ huyện, xã chủ động ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; cứu trợ tại chỗ) và gửi báo cáo về Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đối với quy mô lớn (xảy ra trên diện rộng, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản - tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai mức 3,4,5) thì Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện, thành phố khẩn trương đáp ứng theo phương châm 4 tại chỗ và đề nghị Trung ương Hội cứu trợ, đồng thời, phân công lãnh đạo, chuyên viên trực 24/24 nếu có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh xảy ra để xử lý theo chức năng nhiệm vụ; thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai, thảm họa, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động cứu trợ khẩn cấp; theo dõi tổng hợp cập nhật và phân bổ hàng cứu trợ kịp thời.

Ngoài ra, Hội sẽ tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ các đợt khám, chữa bệnh nhân đạo, phòng chống dịch bệnh cho người dân nơi bị thiên tai, thảm họa; tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn người dân cách phòng chống và ứng phó với dịch bệnh COVID-19; vận động tình nguyện viên hỗ trợ các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, phòng ngừa thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; chuẩn bị hàng hóa, vận chuyển hàng cứu trợ đảm bảo kinh phí phương tiện cho các hoạt động cứu trợ.

Với những giải pháp tích cực trong công tác ứng phó, phòng chống thiên tai, thảm họa mà các cấp hội CTĐ trên địa bàn tỉnh thực hiện, góp phần giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ tính mạng, tài sản, ổn định cuộc sống người dân.