Năm 2009, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là ngày kỷ niệm “Ngày Quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai”. Đây là dịp để cả thế giới cùng nhìn lại công tác phòng, chống thiên tai, nâng cao nhận thức của cộng đồng về những thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng như khuyến khích mọi quốc gia và công dân trên toàn cầu cùng xây dựng đất nước và cộng đồng an toàn hơn trước thiên tai. Năm nay, Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai có chủ đề "Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép".
Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai 13/10: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ động ứng phó với thách thức kép
Tần suất và cường độ của các hiện tượng khí hậu đang tăng lên
Theo Báo cáo Thảm họa thế giới 2020: Sự nóng lên toàn cầu đã và đang gây ra cái chết cho nhiều người, tàn phá cuộc sống và sinh kế hàng năm và tình trạng đó sẽ ngày càng xấu hơn nếu con người không có hành động ngay lập tức và kiên quyết. Tần suất và cường độ của các hiện tượng khí hậu đang tăng lên đáng kể, với nhiều cơn bão cấp 4 và 5 hơn, nhiều đợt nắng nóng với nhiệt độ cao kỷ lục và nhiều trận mưa lớn hơn, cùng nhiều hiện tượng khắc nghiệt khác. Tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mất an ninh lương thực gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe của con người. Nhiều cộng đồng đang bị ảnh hưởng bởi các thảm họa xảy ra đồng thời và liên tiếp, khiến họ không đủ thời gian để phục hồi trước khi thảm họa tiếp theo. Những người có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất trong các cộng đồng này thường có nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu nhu cầu và năng lực của họ không được thấu hiểu và tiếng nói của họ không được lắng nghe.
Đợt mưa lũ tháng 10/2020 gây ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống người dân
tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Chữ thập đỏ Quảng Bình.
Biến đổi khí hậu không chờ đợi đến khi Covid - 19 được kiểm soát. Nhiều người đang bị ảnh hưởng trực tiếp cùng một lúc bởi đại dịch và thảm họa do thiên tai, những người nghèo nhất và có rủi ro cao nhất trên thế giới đang bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Hơn 100 thảm họa đã xảy ra từ giữa tháng 3 năm 2020 (khi đại dịch được công bố) và 6 tháng sau đó hơn 50 triệu người đã bị ảnh hưởng. Vì vậy, chúng ta có thể cả thế giới đang “bận rộn” với dịch bệnh nhưng cần phải hành động ngay với thảm họa vì chưa bao giờ khẩn cấp như bây giờ.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ứng phó với “thách thức kép” như thế nào?
Tại Việt Nam, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và khó lường đã gây nhiều khó khăn cho người dân. Cùng với đó, thiên tai diễn ra cực đoan và bất thường gây ảnh hưởng nặng cho người dân các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Để hỗ trợ người dân trong công tác ứng phó và phục hồi sau những ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, Trung ương Hội và Hội Chữ thập đỏ các cấp đã kết hợp thực hiện và tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả.
Người dân Trà Vinh được hỗ trợ nước ngọt từ Dự án “Cứu trợ khẩn cấp hạn hán và xâm nhập mặn”
của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2020.
Thông qua Lời kêu gọi ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn và hưởng ứng phòng, chống dịch Covid- 19, Trung ương ương Hội đã hỗ trợ cho các tỉnh Kiên Giang, Long An, Tiền Giang và Sóc Trăng... ; các tỉnh/thành Hội đã báo cáo chính quyền địa phương, tổ chức vận động nguồn lực với các hình thức khác nhau. Tổng trị giá toàn Hội đạt 102,5 tỷ đồng.
Trong tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi các cơn bão, lũ, Trung ương Hội đã ban hành Lời kêu gọi hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ, vận động và hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng mưa lũ đạt trị giá trên 237 tỷ đồng. Trung ương Hội tổ chức nhiều đoàn cứu trợ khẩn cấp, để kịp thời thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Cùng với đó nhiều tỉnh, thành Hội vận động, quyên góp tiền, hàng ủng hộ, sẻ chia với đồng bào miền Trung và cán bộ, hội viên các cấp, thông qua việc trực tiếp tổ chức nhiều đợt thăm, tặng quà, hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trợ giúp nhân dân. Tổng số tiền và hàng các tỉnh, thành Hội vận động và ủng hộ trực tiếp tại các tỉnh thiên tai miền Trung năm 2020 là trên 157 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh (thứ nhất, bên phải) trao thùng hàng gia đình cho người dân tại xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi sau cơn bão số 9 năm 2020.
Ứng phó với “thách thức kép” vừa phòng chống dịch, bệnh Covid-19, vừa phòng chống thảm họa do thiên tai, hoạt động của toàn Hội tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2020 đạt trên 569 tỷ đồng, trợ giúp trên 1,55 triệu lượt người.
Từ đầu năm 2021, trước bối cảnh bùng phát dịch bệnh Covid -19, Trung ương Hội tập trung chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch Covid -19 trong toàn hệ thống Hội. Nhiều mô hình hay, sáng tạo được lồng ghép thực hiện để phòng, chống dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ cho người dân như "Chợ Nhân đạo," "Chuyến xe yêu thương, hạt gạo nghĩa tình," "Hành trình tri ân", Chiến dịch “Kết nối cộng đồng, vượt qua thách thức”…Tính từ ngày 27/1/2021 đến ngày 30/6/2021, toàn hệ thống Hội đã tổ chức 7291 buổi truyền thông phòng chống dịch Covid-19 với 884.139 lượt người tham gia; cấp phát 7.434. 609 khẩu trang và trên 155.078 bánh xà phòng/dung dịch rửa tay, bộ quần áo bảo hộ phòng dịch, các nhu yếu phẩm thiết yếu và tiền mặt cho các điểm cách ly tập trung, cơ sở y tế và người dân khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội… với tổng giá trị tiền và hàng vận động của Trung ương Hội hơn 9 tỷ đồng, các tỉnh/thành Hội hơn 72 tỷ đồng .
Hội cũng tổ chức các hoạt động cứu trợ người dân bị ảnh hưởng mưa lũ lịch sử năm 2020, theo đó: Trong khuôn khổ “Lời kêu gọi khẩn cấp về ứng phó, phục hồi và tái thiết sau mưa lũ miền Trung tháng 10/2020” (tổng giá trị trên 40 tỷ đồng tiền và hàng do Hiệp Hội Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hỗ trợ) đã triển khai việc hỗ trợ tiền mặt để sửa nhà, xây nhà mới, tiền mặt đa mục đích, sinh kế, bộ dụng cụ sửa nhà và bộ đồ nấu ăn... Tổ chức cấp phát 3,2 tỷ đồng tiền mặt đa mục đích cho 1.511 hộ gia đình (4.201 khẩu); hỗ trợ 400 triệu đồng cứu trợ khẩn cấp cho các gia đình bị thiệt hại bởi rét đậm, rét hại thuộc 8 tỉnh: Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Giang. Trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa và trợ giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai đạt trên 108 tỷ đồng, trợ giúp 187.200 lượt người.
Chiến dịch “ Kết nối cộng đồng- Vượt qua thách thức” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
phát động hỗ trợ Túi hàng gia đình người dân bị ảnh hưởng Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh.
Trong thời gian tới, để chủ động ứng phó với “thách thức kép”, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tỉnh thành Hội rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cho phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương khi có dịch bệnh xảy ra, trong đó chuẩn bị về nguồn lực để sẵn sàng thực hiện các phương án ứng phó nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh, sẵn sàng phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hóa chất khử trùng, khẩu trang y tế hỗ trợ cho các địa điểm bị ảnh hưởng thiên tai. Chủ động xuất tiền, hàng cứu trợ thiên tai của tỉnh Hội nhằm thăm hỏi động viên người dân bị thiệt hại.
Hội phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành trong hướng dẫn địa phương thực hiện công tác phòng chống thiên tai đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch bệnh; xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn phòng ngừa và ứng phó với thiên tai trong tình huống dịch bệnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; tập huấn nâng cao nhận thức cho thành viên đội ứng phó thảm họa các cấp về công tác ứng phó thiên tai trong tình huống dịch bệnh; triển khai các chương trình, dự án tại địa phương, lồng ghép hoạt động phòng ngừa ứng phó thảm họa trong tình huống dịch bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động về phòng ngừa ứng phó thảm họa trong tình huống dịch bệnh.
Song song với đó, Hội tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người dân, của cộng đồng trong việc thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế và thực hiện nghiêm các quy định của chính quyền địa phương khi tham gia công tác phòng, chống thiên tai qua các phương tiện truyền thông của Trung ương Hội, các tỉnh thành Hội, đặc biệt là mạng xã hội như Zalo, facebook, Tiktok……Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ các địa phương ứng phó với hậu quả do thiên tai và dịch bệnh gây ra