Chủ động lan tỏa thông tin tích cực hay tăng cường đăng tải, chia sẻ thông tin tốt, thông tin chính thống là một nội dung quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Nghị quyết số 35-NQ/TW nhấn mạnh: “Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Kết hợp giữa nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài”(2). Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ: “Chủ động tăng cường thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội”(3).
Có thể thấy, trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, Đảng không chỉ nhấn mạnh đến việc chủ động ngăn chặn, xử lý, xóa bỏ thông tin tiêu cực, phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch mà còn đặc biệt coi trọng đến việc chủ động tăng cường thông tin tích cực. Đó chính là sự khẳng định của quan điểm kết hợp giữa “xây” và “chống”, giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”, trong đó lấy “xây”, “bảo vệ” là chính, là cơ bản.
Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã rất tích cực trong việc thông tin, tuyên truyền góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. (Ảnh minh họa: KG) |
Vì sao phải chủ động lan tỏa thông tin tích cực?
Chủ động lan tỏa thông tin tích cực thực chất là việc chủ động đăng tải, chia sẻ các thông tin tốt, thông tin chính thống, thông tin có tính định hướng dư luận xã hội để lan tỏa những thông tin tốt, hình ảnh đẹp, những câu chuyện mang giá trị nhân văn, người tốt việc tốt nhằm tạo ra xu hướng tích cực trên báo chí, Internet, mạng xã hội, từ đó “cạnh tranh”, “lấn át” các thông tin tiêu cực, thông tin xấu, độc, góp phần định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trước đây, khi công nghệ thông tin, truyền thông xã hội chưa phát triển, báo chí chủ yếu sử dụng phương thức chuyển tải thông tin đơn chiều, áp đặt, chưa có sự tương tác với công chúng. Ngày nay, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là truyền thông xã hội đã kết nối thế giới đến từng cá nhân, làm cho việc tiếp cận thông tin không còn độc quyền như trước. Thay vào đó, mọi người sử dụng mạng xã hội đều tham gia vào quá trình tương tác, phản biện, cung cấp, chia sẻ thông tin như những “nhà báo” độc lập tạo ra môi trường thông tin đa chiều với nội dung thông tin phong phú, đa dạng. Trong truyền thông xã hội, tuổi thọ của thông tin thường rất ngắn, do đó thông tin phải bảo đảm tính mới, gắn với thực tiễn đời sống xã hội và được nhiều người quan tâm. Đây là điều kiện rất thuận lợi để chúng ta có thể sử dụng các trang tin, tài khoản mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ thông tin tốt, thông tin tích cực nhằm “phủ xanh” thông tin tích cực trên Internet, mạng xã hội, “giải độc” kịp thời các thông tin tiêu cực, xấu, độc, sai trái, thù địch.
Internet, mạng xã hội ngày nay đang trở thành môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch, phần tử xấu sử dụng tuyên truyền các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Trung bình mỗi năm các đối tượng đã sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên Internet, mạng xã hội đăng tải, tán phát hàng trăm ngàn tin, bài viết, video clip có nội dung sai trái, thù địch, xấu, độc hại trên không gian mạng. Trong đó, chúng tập trung tuyên truyền xuyên tạc, công kích, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là đường lối đổi mới, chính sách đối nội, đối ngoại, quan điểm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế; phủ nhận lịch sử và thành quả cách mạng; xuyên tạc, phủ nhận chế độ XHCN và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; bôi nhọ hình ảnh, danh dự của Đảng, Nhà nước Việt Nam; bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cổ vũ, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, “xã hội dân sự” theo tiêu chí tư sản phương Tây; tuyên truyền sai lệch về tình hình Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, đàn áp tôn giáo, đàn áp dân tộc thiểu số; tán phát tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng...
Những luận điệu trên không chỉ gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang, hoài nghi trong dư luận mà còn tác động, ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội, đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bên cạnh việc ngăn chặn, triệt phá, xóa bỏ thông tin xấu, độc, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần phải chủ động tăng cường tuyên truyền thông tin tích cực, thông tin chính thống, thông tin có tính định hướng dư luận xã hội trên các cơ quan báo chí, Internet, mạng xã hội.
Chủ động lan tỏa thông tin tích cực đang được triển khai như thế nào?
Với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí đã sử dụng nhiều hình thức, cách thức, phát động nhiều phong trào, cuộc vận động với những mô hình hay, thiết thực, ý nghĩa nhằm lan tỏa thông tin tốt, thông tin tích cực góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cụ thể là:
Thông qua việc thiết lập các chuyên trang, chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng, gương người tốt việc tốt, sự kiện và bình luận… trên các cơ quan báo chí chính thống của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương để tuyên truyền các thông tin tốt, thông tin tích cực. Điển hình như Báo Nhân dân mở các chuyên mục: “Đảng với sự nghiệp đổi mới”, “Việc cần làm ngay”, “Bình luận phê phán”…; Báo Công an nhân dân đã mở các chuyên mục: “Chống diễn biến hòa bình”, “Vấn đề hôm nay”, “Công an trong lòng dân”, “Gương sáng”…; Báo Quân đội nhân dân mở các chuyên mục: “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, “Tiếp lửa truyền thống”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”…; Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam mở chuyên mục: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; " Gương sáng đảng viên", "Tiêu điểm", " Cùng bàn luận", " Tiếng nói đảng viên trẻ", "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng những việc cần làm ngay"... Đài Truyền hình Việt Nam mở các chuyên mục: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Đối diện”, “Tiêu điểm”… Thông qua các chuyên trang, chuyên mục này, các cơ quan báo chí không chỉ đăng tải các thông tin, bài viết, phóng sự đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mà còn chủ động đăng tải, lan tỏa các thông tin tốt, thông tin tích cực nhằm định hướng dư luận xã hội. Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí như Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chú trọng phát triển các kênh tuyên truyền đối ngoại đến với người Việt ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế, góp phần đưa thông tin khách quan, đúng đắn về tình hình đất nước.
Thiết lập, duy trì hoạt động của các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội (Facebook, Fanpage, YouTube…) để đăng tải tin, bài, phóng sự, video clip, hình ảnh… có nội dung tích cực, thông tin tốt, thông tin chính thống. Thông qua đó, tạo dòng thông tin chính thống định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, đoàn viên, thanh niên sử dụng các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội cá nhân đăng tải, chia sẻ các thông tin chính thống, thông tin tích cực, đồng thời không đăng tải, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng trên các trang cá nhân. Điển hình như Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp trên mạng xã hội”…
Có thể thấy rằng, những thông tin tốt, tích cực, chính thống được đăng tải rộng rãi trên báo chí, Internet, mạng xã hội thời gian qua không chỉ định hướng dư luận xã hội mà còn “lấn át”, “giải độc” các thông tin xấu, thông tin tiêu cực, phản bác các thông tin xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc lan tỏa thông tin tích cực vẫn còn những hạn chế, như: Có thời điểm thông tin tích cực, thông tin tốt, thông tin chính thống chưa lấn át được thông tin tiêu cực, thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch; việc đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực, thông tin tốt, thông tin chính thống có lúc, có nơi, trong những thời điểm nhất định còn chậm, chưa có tính hệ thống, đồng bộ, chưa theo kịp tình hình, dẫn đến chưa kịp thời định hướng được dư luận xã hội; chưa huy động được đông đảo cán bộ, đảng viên, thanh niên, quần chúng nhân dân, nhất là cán bộ trẻ, đoàn viên, thanh niên sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân để đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực, thông tin chính thống, thông tin tốt, những câu chuyện, hình ảnh đẹp trên mạng xã hội…
Lãnh đạo Học viện An ninh nhân dân biểu dương các cá nhân tích cực trong Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. (Ảnh: Danh Vỵ) |
Làm thế nào để lan tỏa thông tinh tích cực có hiệu quả?
Trước hết, các cấp, các ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lan tỏa thông tin tích cực trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là ngăn chặn, triệt phá, xóa bỏ thông tin tiêu cực, thông tin xấu, độc, đấu tranh trực diện với các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch mà còn phải chủ động đăng tải, chia sẻ các thông tin tốt, thông tin tích cực, thông tin có tính định hướng, tạo môi trường thông tin lành mạnh, “giải độc” thông tin kịp thời, góp phần ổn định, định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào những thành tựu đã đạt được của đất nước.
Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên, thanh niên, quần chúng nhân dân cần chủ động, tích cực đăng tải, chia sẻ thông tin tốt, thông tin tích cực trên các trang tin, tài khoản mạng xã hội. Đặc biệt, cần tích cực sử dụng tài khoản mạng xã hội, trang cá nhân để đăng tải, chia sẻ các thông tin tích cực, thông tin tốt, thông tin chính thống nhằm lan tỏa những thông tin, hình ảnh đẹp, câu chuyện hay, việc làm ý nghĩa, những điều tốt đẹp trong xã hội đến với cộng đồng. Hiện nay, hầu hết mỗi cán bộ, đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên đều sử dụng mạng xã hội và có ít nhất một tài khoản mạng xã hội. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên mỗi ngày đăng tải, chia sẻ một tin tốt, mỗi tuần đăng tải, chia sẻ một câu chuyện đẹp thì sẽ góp phần lấn át, ngăn chặn, đẩy lùi các thông tin tiêu cực, thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên cần vận động người thân, bạn bè tích cực đăng tải, chia sẻ các thông tin tốt, hình ảnh đẹp, những câu chuyện mang giá trị nhân văn, đề cao cái tốt, cái đẹp lên mạng xã hội, qua đó hướng mọi người tới các giá trị cao đẹp, sống có lý tưởng, có hoài bão, có bản lĩnh, sống đẹp, sống có ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, góp phần phản bác các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch.
Ba là, tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức trong việc lan tỏa thông tin tích cực, thông tin chính thống. Triển khai xây dựng hệ thống các trang tin, fanpage của các xã, thị trấn, phấn đấu 100% các xã, thị trấn trong cả nước đều có trang fanpage riêng nhằm tạo thành hệ thống thông tin tuyên truyền. Thông qua các trang tin, tài khoản mạng xã hội này để đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực, thông tin tốt, phản bác mạnh mẽ các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, vận động, tranh thủ, phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, các hội, nhóm tích cực trên mạng xã hội trong việc đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực, thông tin chính thống nhằm tạo thành “trận địa” thông tin vững chắc trên mạng xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi thông tin tiêu cực, quan điểm sai trái, thù địch.
Bốn là, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong cả nước, các trang tin, tài khoản mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương, Đoàn Thanh niên trong việc đăng tải, chia sẻ các thông tin tốt, thông tin tích cực. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tiếp tục duy trì có hiệu quả các chuyên mục, chuyên trang về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, tăng cường liều lượng đăng phát các thông tin tốt, tích cực, gương người tốt việc tốt để góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp, ý nghĩa, nhân văn trong cuộc sống, định hướng dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cần huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo có uy tín, cựu chiến binh, văn nghệ sĩ, thanh niên, những người có uy tín, ảnh hưởng trên không gian mạng… đăng tải, chia sẻ các thông tin tốt, thông tin tích cực, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Năm là, đa dạng hóa các hình thức, cách thức lan tỏa thông tin tích cực. Kết hợp lan tỏa thông tin tích cực trên các cơ quan báo chí, truyền thông với sử dụng các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội để đăng tải thông tin tích cực. Đặc biệt, cần chú ý, thông tin tốt, thông tin tích cực được đăng tải, chia sẻ trên các nền tảng Internet, mạng xã hội cần phải đa dạng, sinh động, “bắt mắt, lọt tai”, phù hợp với tâm lý công chúng, nhất là giới trẻ và nền tảng truyền thông đa phương tiện giúp người dùng tiếp cận với thông tin dễ dàng và tiện lợi nhất./.
--------------------------------------------------------------
(1) Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, tr.2.
(2) Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, tr.3.
(3) Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, tr.5.