Giáo dục và đào tạo LHS, LHV Lào trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung và tại trường Cao đẳng Sơn La nói riêng là một vấn đề quan trọng mang ý nghĩa chính trị, quốc tế sâu sắc, góp phần tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Và chất lượng đào tạo tiếng Việt cho LHS, LHV Lào của trường Cao đẳng Sơn La chính là thương hiệu, là sự tồn tại để cạnh tranh và phát triển. Hiểu được điều đó, từ năm học 2001 - 2002 đến nay, nhà trường cùng khoa Đào tạo Quốc tế luôn luôn nỗ lực trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học cho LHS, LHV Lào.
Bằng kinh nghiệm đã giảng dạy tiếng Việt cùng thực tế cho thấy: Dạy tiếng Việt cho LHS, LHV Lào ngoài chương trình, giáo trình được cải tiến, chỉnh sửa theo vòng đời 3 năm một lần, thậm chí theo năm học thì đội ngũ giáo viên được tuyển chọn tham gia giảng dạy phải có chuyên môn vững vàng, tâm huyết, có phương pháp dạy học tích cực, có cách đánh giá, kiểm tra học sinh, học viên sâu sát, thường xuyên, khoa học, khách quan cũng là một vấn đề then chốt.
Dạy học tiếng Việt phải xuất phát từ hoạt động ngôn ngữ. Người học phải được rèn luyện về bốn kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết qua các môn học (Tiếng Việt 1; Tiếng Việt 2; Thực hành kĩ năng sử dụng tiếng Việt; Thực tế sử dụng tiếng Việt; Tiếng Việt chuyên ngành). Đặc biệt, qua việc thực hành giao tiếp gắn với những tình huống cụ thể trên lớp theo chủ đề ở mỗi bài (Chủ đề: bản thân, gia đình, thể thao, sức khỏe, thời gian, tham quan du lịch, đất nước, con người Việt Nam, Lào, phong tục tập quán, các nét đẹp văn hóa, văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào….) cũng như trong các hoạt động học tập, trải nghiệm ngoài giờ lên lớp trong quá trình học tiếng Việt của LHS, LHV Lào tại trường Cao đẳng Sơn La đã tạo được nhiều động lực tích cực cho các em và hiệu quả trong giảng dạy tiếng Việt.
Vậy làm thế nào để học tốt tiếng Việt như vậy? Các bạn LHS, LHV Lào đã và đang học tập tại trường Cao đẳng Sơn La đã tuân thủ rất nghiêm túc nhưng cũng vô cùng vui vẻ những hoạt động học tập, trải nghiệm trong quá trình học tiếng Việt với sự định hướng của các thầy cô như sau:
Thứ nhất là, khi ở trên lớp: Các bạn rất chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài, luôn chủ động ghi chép bài, hăng hái phát biểu, tự học trong giờ giải lao, tích cực thảo luận nhóm, tích cực tham gia các trò chơi trong học tập như: Thi ghép vần, ghép tiếng, đọc thuộc lòng các bài thơ, đoạn văn ngắn, tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, thi hát, thi kể chuyện, thi thuyết trình…
Giờ tự học trên lớp
Đôi bạn cùng tiến
Thứ hai, khi về nhà (về kí túc xá), các em LHS Lào và các anh chị LHV Lào luôn cố gắng hoàn thành đầy đủ các bài tập thầy cô giao, chăm chỉ ôn bài, đọc bài, dịch bài, nghe đài, nghe bài hát, đọc báo, xem ti vi, xem vi deo có định hướng của thầy cô về các chương trình tiếng Việt theo chủ đề nhằm bổ trợ việc học tiếng Việt được tốt hơn.
Học viên cán bộ K9 ôn bài ở KTX
Thứ ba, Nhà trường thường xuyên chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm như: Giáo viên cùng học sinh thực hành việc đi mua sắm tại chợ, ở các cửa hàng (rau, củ, quả, thịt, cá…) hoặc cùng học sinh, học viên tham quan học tập ở gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, tham quan mô hình hoạt động của thư viện trường, đổi giấy nhựa lấy cây xanh, học tập, tìm hiểu thực tế các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương Sơn La và ở ngoài tỉnh (Hà Nội, Nghệ An…). Thông qua đó, LHS, LHV Lào có sự hiểu biết sâu sắc hơn về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam, hiểu về phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân địa phương Sơn La và của người Việt Nam. Nhờ vậy, các LHS, LHV Lào thêm yêu mến, gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, tăng cường mối quan hệ, tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Lào – Việt Nam.
Cô trò tham quan gian hàng OCOP
Đến năm 2022, trường Cao đẳng Sơn La đã đào tạo được 20 khóa tiếng Việt cho LHS Lào và bồi dưỡng 10 khóa tiếng Việt cho LHV Lào. Trải qua hơn 2 thập kỉ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt, thầy cô khoa Đào tạo Quốc tế đã không ngừng cố gắng, nỗ lực để tổ chức những buổi ngoại khóa “Hành trình cùng tiếng Việt” với nhiều hình thức phong phú: thi viết chữ đẹp, thi hát các bài hát Việt Nam, thi tiểu phẩm, thi trả lời nhanh về kiến thức tiếng Việt…Dù ở phần thi nào (phần chào hỏi, phần hiểu biết hay phần tài năng) thì các LHS và LHV Lào cũng đều thể hiện vô cùng xuất sắc, dí dỏm và tự tin.
Phần thi tài năng của LHV Lào K9B
Một trong những hoạt động mà trường Cao đẳng Sơn La và khoa Đào tạo Quốc tế cũng rất chú trọng là tăng cường hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trong nhà trường nhằm giúp các bạn LHS, LHV Lào học tiếng Việt thông qua việc giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, đôi bạn học tập…Nhờ được thực hành tiếng Việt qua môi trường giao tiếp cụ thể nên các em LHS, LHV Lào đã tự tin hơn rất nhiều.
Trò chơi tập thể giữa LHS Lào và SV tình nguyện Việt Nam nhân dịp Tết Bunpimay
LHS, LHV Lào thuyết trình về mâm ngũ quả trong ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam
Việc đào tạo, bồi dưỡng LHS, LHV Lào tại tỉnh Sơn La nói chung và tại trường Cao đẳng Sơn La nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương, của cả hai phía Lào và Việt Nam. Từ sự quan tâm đó, thầy cô và các LHS, LHV Lào tại khoa Đào tạo Quốc tế càng nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình nên đã không ngừng thi đua dạy tốt và học tốt. Đồng thời, Nhà trường và khoa Đào tạo Quốc tế luôn luôn chú trọng những hoạt động học tập, trải nghiệm trong quá trình học tiếng Việt của LHS, LHV Lào tại trường Cao đẳng Sơn La để những hoạt động đó càng ngày càng thường xuyên, sôi nổi và hiệu quả hơn.
Phạm Thị Thu Thủy – Khoa Đào tạo Quốc tế