Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”
1. Mua bán người là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/1/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì mua bán người là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây:
+ Chuyển giao người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
+ Tiếp nhận người để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
+ Chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
+ Tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
+ Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao người theo hướng dẫn tại điểm a và điểm c khoản này.
2. Thực trạng mua bán người tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, mua bán người nói riêng có những diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.
Tội phạm mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Đối tượng của tội phạm mua bán người có thể là người lạ, bạn bè hoặc người quen, thậm chí cả người thân. Thủ đoạn hoạt động của bọn chúng thường là: Hứa hẹn giới thiệu việc làm nhàn hạ, có thu nhập cao. Núp dưới hình thức đi du lịch, xuất khẩu lao động, du học theo các tổ chức lừa đảo ở trong nước hoặc nước ngoài. Hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ lầm lỡ hoặc có hoàn cảnh éo le, khó khăn về kinh tế để môi giới, lừa bán trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn trong bào thai; Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn giúp đỡ về tiền bạc rồi đẩy họ vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc vào chúng; Làm quen với những phụ nữ có con nhỏ, lợi dụng họ sơ hở để chiếm đoạt con và dùng giấy tờ giả mạo để đem bán.
3. Hậu quả của nạn mua bán người
Hậu quả với nạn nhân: Bị bóc lột sức lao động, làm những công việc nặng nhọc, quá sức; Bị hành hạ đánh đập tàn nhẫn; Bị thương tích, tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong; Bị cưỡng bức, bóc lột tình dục…; Có nguy cơ bị mắc các bệnh lây truyền tình dục, HIV/AIDS, Bị tước mất quyền công dân và quyền con người; Tinh thần suy sụp, lo âu, sợ hãi; Mặc cảm, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống; Khó hoà nhập với cuộc sống và cộng đồng; Dễ sa vào các tệ nạn xã hội hoặc trở thành kẻ buôn bán người.
Đối với gia đình: Tốn kém tiền bạc, thời gian và sức lực để tìm kiếm người thân; Hạnh phúc bị tan vỡ, con cái thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ; Các thành viên trong gia đình sống trong lo âu, mặc cảm; Người thân đi tìm người nhà dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân.
Đối với xã hội: Gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội; Làm thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế; Tăng gánh nặng kinh tế trong địa phương trong việc giải quyết hậu quả của nạn buôn người.
4. Nguyên nhân con người có thể sa vào cạm bẫy của bọn buôn người
- Hạn chế về nhận thức: Tùy vào đối tượng mà bọn tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau. Đối với những nạn nhân do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn lạc hậu, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế chúng thường dùng thủ đoạn dụ dỗ tìm kiếm việc làm với mức lương cao để lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân đưa người sang biên giới bán cho nước ngoài để thực hiện các hành vi bóc lột tình dục, cưỡng ép hôn nhân, bóc lột sức lao động…. Đối với các đối tượng là học sinh, sinh viên là những đối tượng ở nội thành, nội thị có trình độ nhận thức cao hơn thì đối tượng phạm tội lại sử dụng các thủ đoạn khác như giả vờ làm quen, yêu đương, đưa đi chơi, đưa đi tham quan, sau đó móc nối với các đối tượng ngoài biên giới bán cho các chủ chứa mại dâm hoặc bán cho những người nước ngoài có nhu cầu lấy vợ, sau đó đưa sâu vào nội địa để nạn nhân không có cơ hội, không có điều kiện quay trở lại.
Thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình: Đây có thể được xem là một trong những nguyên nhân khiến nạn nhân dễ sa vào cạm bẫy, không ít các gia đình, các bậc cha mẹ chỉ biết chu cấp vật chất đầy đủ cho con cái mà thiếu sự quan tâm, dạy dỗ các em, nhưng cũng có những người vì cuộc sống quá cơ cực, bần hàn, họ phải lăn lộn để mưu sinh nên không còn thời gian và sức lực để chăm sóc con cái.
Đói nghèo, thất nghiệp và thất học: Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhu cầu và xu hướng di dân, đói nghèo và thất nghiệp dẫn đến nhu cầu tìm việc làm và thu nhập, thất học dẫn đến sự hạn chế về nhận thức, hiểu biết, thiếu các kỹ năng phòng tránh, dễ bị bọn xấu lợi dụng. Nạn nhân sống trong tình trạng nghèo đói, không có việc làm, thiếu kiến thức và giáo dục là những điều kiện thuận lợi cho bọn buôn người tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ.
5. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người
Thứ nhất: Cần có chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập qua dạy nghề, cho vay vốn…cho đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bọn buôn người ở những vùng khó khăn. Làm cho người dân có đời sống kinh tế ổn định, có công ăn việc làm, có khả năng thu nhập để có thể đảm bảo mức cơ bản nhu cầu cuộc sống.
Thứ hai: Phổ cập giáo dục để nâng cao trình độ dân trí, thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nạn nhân thường sa vào cạm bẫy của bọn buôn người là do đời sống kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí và sự hiểu biết kém. Trong các nạn nhân bị buôn bán phần đông là người mù chữ hoặc chỉ học đến cấp tiểu học, nạn nhân chủ yếu là làm ruộng, đi làm thuê hoặc đang trong tình trạng thất nghiệp. Những khó khăn trong cuộc sống, hạn chế về trình độ nhận thức đã đẩy họ trở thành "miếng mồi" ngon cho bọn tội phạm buôn người. Như vậy, vấn đề xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là hết sức cần thiết cho những đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn tội phạm vì nhờ đó họ có nền tảng tri thức để bảo vệ bản thân trước những cạm bẫy của bọn buôn người.
Thứ ba: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về mua bán người: Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, như: Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào các buổi họp của bản, tổ dân phố, nhà trường, nói chuyện chuyên đề cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ tại các buổi sinh hoạt đoàn thể để tuyên truyền phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm mua bán người và cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân.
Bên cạnh đó, cần tổ chức phát động các phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, viết cam kết gia đình không có người tham gia hoạt động mua bán người, động viên nạn nhân và gia đình tố giác tội phạm.
6. Một số nội dung cơ bản trong Luật phòng, chống mua bán người
Trước những thủ đoạn nguy hiểm của tội phạm mua, bán người, Chính phủ đã xây dựng những chính sách, hành lang pháp luật cho công tác phòng, chống đấu tranh trấn áp loại tội phạm này, đặc biệt Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2012. Đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện pháp luật liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có nội dung mua bán người; tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Luật phòng, chống mua bán người dành toàn bộ Chương II gồm 12 điều để quy định về việc phòng ngừa mua bán người, có thể chia làm hai nhóm:
Nhóm thứ nhất gồm 05 điều (từ Điều 7 đến Điều 11) quy định về các biện pháp phòng ngừa chung, bao gồm: Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mua bán người, về mối hiểm họa của mua bán người, từ đó đề cao cảnh giác, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống mua bán người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân bị mua bán. Tư vấn về phòng ngừa mua bán người. tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến nguy cơ mua bán người. Để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý an ninh, trật tự nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa mua bán người, Điều 9 của Luật PCMBN xác định rõ 07 nhóm biện pháp để quản lý về an ninh, trật tự. Xuất phát từ nhận thức có một số lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ rất nhạy cảm, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để mua bán người, Điều 10 của Luật PCMBN xác định rõ phải quản lý, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ đối với các hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.
Nhóm thứ hai gồm 07 điều (từ Điều 12 đến Điều 18) quy định về các biện pháp phòng ngừa thông qua hoạt động của các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo; cơ quan thông tin đại chúng; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận cũng như sự tham gia của cá nhân và gia đình trong công tác phòng ngừa mua bán người, cụ thể: Mỗi cá nhân, gia đình có vai trò quan trọng, từng cá nhân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc phòng ngừa để không trở thành nạn nhân bị mua bán, đồng thời, cũng cần có trách nhiệm trong việc phòng ngừa tội phạm này, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. Do đó, Điều 12 của Luật PCMBN quy định cá nhân tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người; kịp thời báo tin, tố giác, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người. Học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng mà công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người hướng trọng tâm đến. Điều 14 của Luật PCMBN xác định việc nhà trường, cơ sở giáo dục đào tạo tham gia tích cực vào công tác phòng ngừa mua bán người nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nói riêng là hết sức quan trọng.
Trong thời gian qua, bọn tội phạm thường lợi dụng sơ hở trong một số lĩnh vực hoạt động để mua bán người như: hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch...vì thế, để ngăn ngừa có hiệu quả việc mua bán người, Điều 15 của Luật PCMBN quy định về việc phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
7. Vai trò của cá nhân, tập thể và xã hội trong công tác phòng chống mua bán người.
Cơ quan thông tin đại chúng có vai trò quan trọng trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người, nó tác động trực tiếp tới ý thức của từng người dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và mua bán người nói riêng. Điều 16 của Luật PCMBN quy định cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến lĩnh vực phòng, chống mua bán người.
Cùng với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, đặc biệt là trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng, chống mua bán người cũng như công tác hỗ trợ nạn nhân. Vì vậy, để ghi nhận vài trò của các đoàn thể xã hội cũng như tạo cơ chế pháp lý để các đoàn thể tham gia tích cực. Luật PCMBN đã có quy định về sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong công tác phòng ngừa mua bán người.
Để phòng, chống tệ nạn tệ nạn buôn bán người, mỗi người dân hãy cảnh giác với những người không quen biết, không được tự ý bỏ theo người khác mà không báo cho gia đình, cần cân nhắc và thảo luận với cha mẹ, người thân trước khi đi tìm việc, cần được biết địa chỉ, số điện thoại nơi mình đến và phải có cam kết lao động được chính quyền tại địa phương công nhận.
Tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vi tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.