Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, đồng thời cũng là nhà giáo dục lớn. Người đã đặt nền móng cho nền giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa,  nền giáo dục toàn diện. Đối Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định tạo nên trí tuệ.

Theo Hồ Chí Minh tự học là “tự động học tập” [1]. Có nghĩa là việc học tập là do chính bản thân người học quyết định, người học tự giác, tự chủ không cần sự nhắc nhở, giao nhiệm vụ của người khác. Tự mình nhận thấy nhu cầu của bản thân để rồi từ đó tiến hành việc tự học. Hồ Chí Minh giải thích: “Tự động là không phải dựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức phong phú, mới mẻ” [2]. Tự học là tự mình quản lý việc học tập, lĩnh hội tri thức của bản thân. Người học tự vạch ra kế hoạch học tập cho chính mình, kiên trì và nhẫn nại thực hiện kế hoạch đó một cách bài bản, sau đó người học tự kiểm tra đánh giá kết quả đã đạt được, rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Người khẳng định: đối với việc học tập thì tự học có một vai trò vô cùng quan trọng. Nó là yếu tố không thể thay thế, là nhân tố quyết định chất lượng học tập của mỗi cá nhân. Theo Người, cách học tập là “lấy tự học làm cốt” [3].

Người cho rằng, mục đích của học tập nói chung là: “để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể “giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” [4]. Tuy nhiên trong khi bàn về tự học, Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định tự học có mục đích riêng nhằm thực hiện mục tiêu chung của việc học tập. Trước hết: Người khẳng định mục đích của tự học là nâng cao sự hiểu biết của bản thân mình để phát triển và hoàn thiện nhân cách. Thứ hai: tự học để trau dồi năng lực cá nhân phục vụ sự nghiệp cách mạng. Thứ ba: tự học để khẳng định mình. Do vậy, tự học là một yêu cầu tất yếu của việc học tập, mục đích cao nhất của tự học chính là nâng cao hiểu biết, hoàn thiện nhân cách phục vụ sự nghiệp cách mạng. Đó phải là sự nghiệp của toàn dân. Cho nên ai cũng phải tự học, không ai được chủ quan tự mãn vì học hỏi là vô cùng.

 Nội dung tự học rất rộng. Để thực hiện được mục đích cao cả của việc tự học thì nội dung tự học phải toàn diện. Có nghĩa là phải tự học tất cả các môn. Nhất là đối với những người cách mạng thì điều này càng quan trọng và cần thiết “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kĩ thuật” [5]. Người nhấn mạnh thêm “phải chăm lo học tập văn hóa, học tập kĩ thuật, học tập nghiệp vụ..” [6] hay “học làm tính, học chính trị, học lịch sử, học khoa học thường thức. Rồi gắng học cao hơn nữa” [7].

Phương pháp tự học của Bác Hồ là: Muốn nâng cao kiến thức trong quá trình tự học, mỗi người cần phải biết cách tận dụng triệt để thời gian và những điều kiện, phương tiện có sẵn trong xã hội, như thư viện, câu lạc bộ, sách báo, viện bảo tàng, các buổi nói chuyện, hội thảo,... Ngoài ra, mỗi người cần tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn chỉ bảo của bạn bè, đồng nghiệp và thực hiện phương châm học ở mọi lúc, mọi nơi, học trong khi giao thiệp, trong công việc hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong kinh nghiệm thành công cũng như thất bại và học trong công tác vận động quần chúng. 

Như vậy, hệ thống luận điểm của Hồ Chí Minh về tự học đề cập và bao quát các vấn đề cơ bản của tự học, đó là hệ thống quan điểm nhằm mục đích hướng dẫn và nâng cao việc tự học của người học./

---------------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, t.6, Nxb CTQG, H.1995, tr.50. [2] Sđd, t.4,  tr.48. [3] Sđd, t.5, tr.273. [4]

 Sđd, t.5, tr.684.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, t.10, Nxb CTQG, H.1996, tr.306. [6]  Sđd, t.10, tr.43. [7] Sđd, t.5, tr.39.

 

Tin bài: GV Hoàng Thị Thanh Thuỷ