Thực hiện theo kế hoạch số 46/KH-CĐCS, ngày 19 và 20/11/2022 Công đoàn trường Cao đẳng Sơn La đã tổ chức các hoạt động thể dục thể thao chào mừng 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/112022) tại Sân và Nhà Đa năng của Nhà trường.
Với mục đích tạo sân chơi lành mạnh; xây dựng và phát triển phong trào thể dục thể thao rộng khắp; tăng cường giao lưu học tập trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật trong thi đấu thể thao cho toàn thể công đoàn viên, người lao động trong nhà trường. Có thể nói đây là hoạt động thiết thực, bổ ích và rất ý nghĩa bởi nó không chỉ góp phần đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao rèn luyện nâng cao sức khỏe mà còn là dịp để cho các công đoàn viên và người lao động trong nhà trường giao lưu, gặp gỡ, xây dựng khối đại đoàn kết trong đơn vị, làm cho tổ chức công đoàn trường Cao đẳng Sơn La ngày càng vững mạnh.
Đ/c Nguyễn Quang Sáng- Chủ tịch CĐCS trường CĐSL phát biểu khai mạc
Tham dự giải có 9 công đoàn bộ phận trực thuộc với 4 nội dung thi đấu: đẩy gậy, kéo co, cầu lông và bóng chuyền hơi.
Đ/C Hà Thị Mai Hoa- bộ môn GDTC-QP tham gia đi đấu môn đẩy gậy nữ
CĐBP 9 tham gia thi đấu kéo co
Một số hình ảnh thi đấu bóng chuyền của CĐBP 9- Khoa Cơ bản
Đ/c Nguyễn Quang Sáng - Chủ tịch CĐCS trường CĐSL chụp ảnh kỷ niệm với đội bóng
Với tinh thần thi đấu tạo sự gắn bó đoàn kết trong đơn vị, giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm là chính, sau hai ngày thi đấu mặc dù chưa đạt thành tích cao nhưng Công đoàn bộ phận 9 - khoa Cơ bản đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Hỵ vọng mùa giải năm sau đơn vị sẽ đạt được nhiều thành tích tốt hơn và các hoạt động phong trào ngày càng phát triển hơn nữa.
Tin bài: Lê Huyền Trang - GV Khoa Cơ bản
Ngày 26 tháng 10 năm 2022, Đại hội Chi bộ 9 lần thứ hai, nhiệm kỳ 2023 - 2025 được tiến hành trọng thể với phương châm “kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển quyết tâm xây dựng chi bộ vững mạnh”. Đến dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên BTV Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường; đồng chí Hoàng Vĩnh Lam - Uỷ viên BTV Đảng ủy, Phó hiệu trưởng nhà trường; đại diện cấp ủy 8 chi bộ trực thuộc Đảng bộ và đại diện các đoàn thể trong Nhà trường như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Sinh viên...
Đại hội đã nghe báo cáo tình hình đảng viên dự Đại hội; Báo cáo Chính trị của chi bộ do đồng chí Đào Huy Quân - Bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2023 trình bày. Đại hội đã tiến hành thảo luận, bổ sung một số nội dung và biểu quyết 18 chỉ tiêu thuộc 5 nhiệm vụ trọng tâm cần phấn đấu thực hiện trong nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng thay mặt cho Ban Thường vụ Đảng ủy nhà trường đã ghi nhận, biểu dương những kết quả công tác của chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2023 và chỉ đạo, định hướng công tác của chi bộ nhiệm kỳ 2023 - 2025, đặc biệt cấp ủy cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị cho các đồng chí đảng viên và CBVC; cần có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đại hội; chỉ đạo tăng cường hơn nữa sinh hoạt chuyên môn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tìm các giải pháp thực hiện tốt các công việc được giao.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành chi bộ, nhiệm kỳ 2023 - 2025 gồm 03 đồng chí: Đào Thị Hợi; Đào Huy Quân; Nguyễn Thị Ngọc Thúy; tiến hành bầu trực tiếp Bí thư; Phó bí thư chi bộ. Đồng chí Đào Huy Quân được bầu làm Bí thư chi bộ; đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Thúy được bầu làm Phó bí thư chi bộ với số phiếu tín nhiệm cao.
Đại diện Đảng ủy nhà trường tặng hoa chúc mừng BCH Chi bộ 9, nhiệm kỳ 2023 - 2025 ra mắt, nhận nhiệm vụ
Đại hội Chi bộ 9, lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 - 2025 đã kết thúc thành công, để lại nhiều cảm xúc tốt đẹp trong đội ngũ cán bộ, đảng viên./.
Tin bài: Nguyễn Thị Sánh - GV khoa Cơ bản
Ngày 20/10 hàng năm là một ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh phụ nữ Việt Nam. Vào dịp này, phụ nữ Việt Nam được nhiều người bày tỏ sự quan tâm và tôn vinh dưới nhiều hình thức nhưng phổ biến nhất vẫn là tặng hoa hồng, thiệp và kèm theo những lời chúc mừng.
Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/1930 là ngày đầu tiên trong lịch sử nước ta, một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đây cũng là lần đầu tiên, người phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước và các đoàn thể quần chúng.
Hơn 90 mùa thu qua, tổ chức Phụ nữ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, người phụ nữ Việt Nam yêu nước ngày càng có tri thức, có sức khỏe, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng, được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.
Nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2022), các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực cho nữ CNVCLĐ. Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm đó Ban Nữ công - Công đoàn cơ sở Trường Cao đẳng Sơn La đã tổ chức giao hữu Bóng chuyền hơi. Có thể nói đây là hoạt động thiết thực, bổ ích và rất ý nghĩa bởi nó không chỉ góp phần đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao rèn luyện nâng cao sức khỏe mà còn là dịp để nữ CBVC nhà trường giao lưu, gặp gỡ, xây dựng khối đại đoàn kết trong đơn vị, làm cho tổ chức công đoàn, nữ công ngày càng vững mạnh.
Tham gia giao lưu có 04 đội liên quân, gồm:
Đội 1: CĐBP 1+ CĐBP 5
Đội 2: CĐBP 3+ CĐBP 6
Đội 3: CĐBP 2+ CĐBP 7
Đội 4: CĐBP 4+ CĐBP 8 + CĐBP 9
Hai đội liên quân ra sân chuẩn bị thi đấu: khoa Cơ bản và khoa Đào tạo quốc tế giao hữu với liên quân Phòng Khảo thí đảm bảo chất lượng và Khoa Nội vụ.
Liên quân khoa Cơ bản, Nông Lâm và Đào tạo quốc tế giao hữu với liên quân Khoa Kỹ thuật công nghệ và Đào tạo giáo viên.
Trải qua nhiều trận đấu sôi nổi, hấp dẫn, các cầu thủ của các đội thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, với những pha bóng đẹp, thu hút sự theo dõi, cổ vũ nhiệt tình đông đảo của các CĐV cùng toàn thể các thầy cô đã góp phần tạo nên thành công của buổi giao hữu bóng chuyền hơi. Kết quả cụ thể:
Giải nhất : Liên quân Khoa Kỹ thuật công nghệ và Đào tạo giáo viên.
Giải nhì : Liên quân khoa Cơ bản, Nông Lâm và khoa Đào tạo quốc tế
Giải ba: Liên quân Phòng Khảo thí, đảm bảo chất lượng và Khoa Nội vụ.
Đội 4 đạt giải nhì chụp ảnh lưu niệm cùng ban tổ chức
Tin bài: Vũ Thị Hoa – GV khoa Cơ bản
Môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh giữ vai trò chủ chốt trong việc giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, góp phần giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, bồi dưỡng niềm tự hào tự tôn dân tộc. Cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác góp phần hình thành ở học sinh các phẩm chất, năng lực chung được quy định trong chương trình tổng thể, thông qua nội dung môn học hình thành năng lực nhận thức các vấn đề về quốc phòng, an ninh và vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống.
Ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi, bảo đảm cho học sinh hình thành những hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc về lực lượng vũ trang nhân dân và ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Ở cấp trung học phổ thông, Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học chính khóa, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kĩ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc sau khi rời ghế nhà trường.
Chương trình môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh được xây dựng trên cơ sở các quan điểm sau:
Tính kế thừa và hiện đại: Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Được xây dựng dựa trên nền tảng lí luận và thực tiễn truyền thống kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của cha ông, nghệ thuật quân sự Việt Nam và cập nhật thành tựu của khoa học quân sự, sư phạm quân sự hiện đại.
Phát triển phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù: Chương trình xác định rõ các phẩm chất, năng lực có thể hình thành và phát triển ở học sinh thông qua môn học: một mặt chương trình căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực làm cơ sở và xuất phát điểm để lựa chọn nội dung giáo dục; mặt khác chương trình hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi cho học sinh thông qua việc hướng dẫn học sinh tiếp thu, vận dụng nội dung môn học vào thực tiễn.
Tính thực hành, thực tiễn: Chương trình xác định thực hành, luyện tập, vận dụng là nội dung quan trọng, đồng thời là phương thức thiết thực, hiệu quả để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Nội dung này chú trọng việc vận dụng kiến thức quốc phòng, an ninh và kĩ năng vận dụng vào thực tiễn nhằm góp phần phát triển các năng lực đặc thù môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Tính dân tộc và nhân văn: Giúp học sinh nhận thức đúng về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, nhân văn, sự đoàn kết toàn dân của dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước; tinh thần đoàn kết quốc tế; giúp học sinh phát triển các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng hướng tới các giá trị khoan dung, nhân ái, tôn trọng, hòa bình, hòa hợp, hợp tác và vì sự tiến bộ và phát triển xã hội.
Tính mở, liên thông: Trên cơ sở đảm bảo nội dung theo các chủ đề thống nhất trong cả nước, chương trình dành thời lượng nhất định để các nhà trường hướng dẫn học sinh tìm hiểu các vấn đề về quốc phòng, an ninh, truyền thống và nghệ thuật đánh giặc giữ nước của địa phương, xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương.
Hà Thị Mai Hoa
Giảng viên Bộ môn Thể chất-QPAN
THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO KỸ NĂNG TỰ HỌC CHO SINH VIÊN TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƠN LA
I. Đặt vấn đề
Bồi dưỡng và phát triển năng lực tự học của người học là một trong những định hướng xuyên suốt và nhất quán trong văn kiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Nhà nước trong giáo dục và đào tạo. Nghị quyết số 29-NQ/TW xác định mục tiêu phát triển: “ phát triển khả năng sang tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học”.
Tự học là cần thiết đối với tất cả mọi người trong suốt cuộc đời. Với sinh viên việc hình thành và phát triển năng lực tự học là vô cùng cần thiết, có nhiều cách để phát triển năng lực tự học như: Phát huy tính tích cực của người học, tối ưu hoá việc học bằng dạy học chương trình hoá, thực hiện bài tập nghiên cứu, tổ chức dạy học phân hoá, áp dụng công nghệ dạy học và dạy cách học cho người học. Trong quá trình hội nhập, thực hiện đào tạo theo chương trình “tín chỉ ”, tự học là một yêu cầu bức thiết. Luật Giáo dục đã ghi rõ: “Phương pháp giáo dục phải coi trọng việc bồi dưỡng năng lực học nghiên cứu, tạo điều kiện cho người học phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng”. Tuy nhiên, cũng như một số trường khác, vấn đề tự học của sinh viên Trường Cao đẳng Sơn La còn nhiều điều đáng bàn. Thiết nghĩ, cần thiết nêu lên thực trạng và tìm ra những giải pháp cụ thể mang tính chất khả thi mới có thể giúp sinh viên giải quyết vấn đề tự học.
II. Thực trạng học tập hiện nay của sinh viên trường Cao đẳng Sơn La
Trong xu hướng rút cần ngắn thời gian lên lớp, nhiều sinh viên cảm thấy thời gian học tập sao quá nhàn hạ để họ có thể cho phép mình được vui chơi thoải mái. Bên cạnh đó tình trạng học “đối phó” diễn ra phổ biến trong sinh viên. Hầu hết sinh viên chưa chủ động được thời gian, chưa biết sắp xếp hợp lí thời gian cho toàn bộ chương trình cũng như kế hoạch học tập hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày của mình.
Đa số sinh viên chưa biết và cũng chưa có ý thức chủ động tìm kiếm kiến thức mới. Giảng viên dạy tới đâu, sinh viên học đến đó, giảng viên dặn điều gì thì sinh viên học và làm điều ấy. Một số sinh viên học theo lối thực dụng: những phần nào giảng viên cho cho thi, liên quan đến điểm số thì mới đầu tư học tập.
Khả năng ứng dụng và tiêu hoá kiến thức của nhiều sinh viên chưa sâu. Đối với sinh viên, kiến thức ở giảng đường dường như tách rời thực tế. sinh viên chưa thấy được kiến thức sách vở là bắt nguồn từ cuộc sống và mục đích cuối cùng của chúng là sẽ trở lại phục vụ cuộc sống. Đối với sinh viên nhiều vấn đề khoa học trở nên trừu tượng, mơ hồ, chúng tồn tại chơi vơi, dường như không có đất sống. Muốn tìm được mảnh đất sống thực sự cho chúng không gì hơn là phải đầu tư tự nghiên cứu, tự học. Sinh viên cũng chưa thấy được mối quan hệ giữa các các học phần, các đơn vị kiến thức. Kiến thức mình đang học có liên quan gì với kiến thức trước và sau nó. Do vậy, sinh viên cũng chưa biết vận dụng cái đã biết để giải quyết những vần đề chưa biết và cần biết.
Từ những đặc điểm nêu trên dẫn đến một hậu quả khá nghiêm trọng là khả năng nghiên cứu của đa số sinh viên còn yếu kém. Điều này, đồng thời, dẫn đến một hệ lụy sau cùng là sau khi ra trường, khả năng phát hiện vấn đề, xử lí tình huống, giải quyết công việc của hầu hết SV là không cao.
III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN TRONG DẠY HỌC Ở CAO ĐẲNG SƠN LA
Trong những giờ học đầu tiên, cần giới thiệu kỹ lịch trình và kế hoạch giảng dạy. Thông báo rõ ràng cho sinh viên về mục tiêu, chuẩn đầu ra của học phần. Thông qua đó cần làm cho sinh viên hiểu rõ, vị trí, ý nghĩa của học phần trong chương trình đào tạo của khoá học. Mỗi học phần thường đảm nhận một vài chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, chúng có mối liên hệ với học phần trước và sau nó, qua đó sinh viên hiểu được vì sao phải học học phần này? Nội dung học phần sẽ được sử dụng cho các học phần tiếp theo như thế nào. Giới thiệu kỹ về học phần giúp sinh viên hình thành động cơ,mục đích học tập, chủ động lập kế hoạch học tập phù hợp với yêu cầu của học phần
Hướng dẫn sinh viên cách học chủ động, tìm kiếm thông tin, tài liệu, ghi chép bài chủ động nghiên cứu học tập có suy tư, trải nghiệm và liên hệ, cách ghi nhớ nội dung học tập theo vấn đề,logic
Hạn chế tối đa cách trình bày nội dung một chiều trên lớp, áp dụng phương pháp đặt vấn đề, và thảo luận nhóm để sinh viên được trình bày quan điểm cá nhân, bổ sung và thu thập thêm tài liệu khi thuyết trình
Đa dạng hoá các hình thức đánh giá. Thực hiện đánh giá quá trình và phản hồi liên tục trong suốt quá trình dạy và học. Quy định tỉ trọng đánh giá quá trình và đánh giá kết thúc; đánh giá qua bài thu hoạch tổng hợp và vận dụng tổng hợp. Đa dạng hóa các hình thức đánh giá cũng là cách để sinh viên tự rút kinh nghiệm và tự đánh giá kết quả học tập của chính mình.
IV. KẾT LUẬN
Trường cao đẳng dù hiện đại đến đâu cũng không trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cho người học hành nghề suốt đời trong thực tiễn nghề nghiệp luôn biến đổi, vì thế một trong những mục tiêu của giáo dục là phải phát triển được năng lực tự học của người học. Bản chất của học tập ở cao đẳng là mang tính nghiên cứu, được thực hiện chủ yếu qua tự học, đặc biệt, học tập theo tín chỉ đặt ra yêu cầu rất cao đối với người học. Trong học chế tín chỉ (với quy định 1 giờ học tín chỉ trên lớp, cần 2 giờ tự học) đòi hỏi sinh viên phải làm chủ được thời gian, trong đó thời gian tự học là chủ yếu. Tự học, tự nghiên cứu để tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng học tập, kỹ năng thực hành nghề nghiệp là những yêu cầu quan trọng và hết sức cần thiết đối với sinh viên.
Phương châm cốt lõi trong kỹ năng tự học là hướng tới hoạt động học tập chủ động, chống lại thói quen thụ động trong học sinh, sinh viên, khai thác nguồn tư liệu giáo dục mở, và thư viện số, tư liệu nguồn internet. Muc tiêu là trang bị kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên trong quá trình theo học tại cao đẳng cũng như suốt đời học tập để làm giàu tri thức của bản thân, và phục vụ tốt cho thực tiễn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Hà Nội.
2. Chính phủ (2005), Nghị quyết của Chính phủ số 14/2005 NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, Hà Nội
Lê Thị Thúy Hiền: GV BM Chính trị - Khoa Cơ bản