A. Đặt vấn đề

Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng là một trong những nơi có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ốc nhồi. Ốc nhồi là loài đặc sản có giá trị kinh tế, Ốc nhồi có thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng. Chúng thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có hương vị độc đáo.

Thành phần hóa học, trong 100g ốc nhồi có 77,6g nước; 11,9g protid; 7,6g glucid; 0,7g lipid; cung cấp khoảng 86 calo. Nó còn là một thức ăn rất giàu muối khoáng, đặc biệt là canxi, phospho (1357mg canxi, 191mg phospho trong 100g ốc) và có nhiều loại Vitamin (0,05mg Vitamin B1; 0,17mg Vitamin B2; 2,2mg Vitamin PP). Chất protid của ốc nhồi cũng thuộc loại tốt, qua phân tích cho thấy  Ốc nhồi có rất nhiều axit amin cần thiết cho cơ thể như lysine, methionine, phenylalanine, valine, leucine, isoleucine, threonine và tryptophan (8 trên 10 axit amin thiết yếu).

Do nhu cầu ốc nhồi ở thị trường cao, tình trạng khai thác đánh bắt và việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật khá phổ biến và không hợp lí nên nguồn lợi ốc nhồi đang giảm sút một cách đáng kể.

Để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường về ốc nhồi hiện nay và trong tương lai thì cần phải xây dựng được quy trình nuôi ốc nhồi thương phẩm. Đối với ốc nhồi thương phẩm, hiện nay đã có rất nhiều nơi triển khai với các hình thức nuôi khác nhau, trong đó nhiều hộ gia đình đã nuôi ốc nhồi trong bể lót bạt, tuy nhiên việc nuôi ốc nhồi trong bể lót bạt còn gặp nhiều rủi ro, đặc biệt môi trường nước thường tích tụ nhiều độc tố và vi sinh vật gây hại do thức ăn dư thừa và chất thải của ốc gây ra, người chăn nuôi phải mất nhiều chi phí cho việc thay nước, khả năng sinh trưởng và phát triển của ốc giảm, tỷ lệ ốc chết nhiều ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, nhằm giúp nguồn nước trong bể lót bạt đảm bảo theo yêu cầu sinh trưởng, hạn chế việc thay nước, ổn định môi trường cho ốc phát triển. Khoa Nông nghiệp trường Cao đẳng Sơn La đã nghiên cứu thành công mô hình nuôi Ốc nhồi (Pila Polita) thương phẩm trong bể lót bạt được sử dụng chế phẩm sinh học EM1  xử lý môi trường nước nuôi nhằm cải tạo môi trường nước nuôi, hạn chế thay nước, tăng khả năng chống chịu, tăng tỷ lệ sống sót, giảm chi phí đầu tư, tăng sản lượng ốc nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế.

Hình ảnh nuôi ốc nhồi trên bể lót bạt được xử lý môi trường nước nuôi bằng chế phẩm sinh học EM1

BNội dung

1. Vài nét về Ốc nhồi Pila Polita

1.1. Vị  trí phân loại Ốc nhồi Pila Polita

          Loài Ốc nhồi (Pila Polita, Deshayes, 1830), thuộc giống Pila, họ Ampullariidae (có tên động vật Pilidae Preston, 1915), bộ Chân bụng trung (Mesogastropoda), lớp Chân bụng (Gastropoda), ngành Thân mềm (Mollusca).

          Họ ốc nhồi Ampullariidae gồm 13 giống trong đó có Pila gồm các loài ốc kích thước lớn nhất trong nhóm ốc nước ngọt, phân bố rộng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc Châu Á, Châu Phi, Nam và Trung Mỹ. Chúng thường chiếm tỷ lệ lớn về thành phần loài trong các khu hệ thân mềm nước ngọt của các vùng. Các loài Ampullariidae đặc trưng bởi vỏ hình cầu, mặt vỏ nhẵn, bóng, có nắp miệng, lỗ rốn dạng khe hẹp. Họ ốc này xuất hiện sớm trong lịch sử tiến hóa (khoảng160 triệu năm trước), có thể bắt nguồn từ Châu Phi hoặc Châu Á 

          Ở Châu Á sự phân bố của ốc nhồi rất rộng, được tìm thấy nhiều ở Inđônêxia, Đông Dương, Trung Quốc (Quảng Đông, Vân Nam). Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng cũng là một trong những nơi có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ốc nhồi.

1.2. Đặc điểm hình thái Ốc nhồi Pila Polita

          Vỏ ốc: Hình cầu với tháp ốc cao, dày, xoắn phải. Mặt vỏ láng bóng, màu xanh vàng hoặc nâu đen, tương đối đồng màu trên khắp mặt vỏ. Các đường sinh trưởng tương đối phát triển, trong đó nổi bật với các gờ mịn chạy dọc từ đỉnh xuống miệng vỏ. Số vòng xoắn 5½–6, các vòng xoắn phồng, vòng xoắn phôi (vòng xoắn đầu tiên) khá rõ, các vòng tiếp theo kích thước tăng dần. Vòng xoắn cuối lớn nhất, mở rộng, lồi cả mặt trước và mặt sau, chiếm 5/6 chiều cao vỏ. Rãnh xoắn sâu và rõ, chúng gần như song song khi nhìn từ phía trước.

          Miệng vỏ rộng, hình bán nguyệt, lệch hoàn toàn về bên phải so với trục vỏ. Vành miệng không liên tục, đơn. Môi ngoài sắc nhưng không mở rộng, tạo góc vuông với vòng xoắn cuối ở vùng đỉnh, vùng trụ môi cong đều dạng chữ U. Thể chai kém phát triển nhưng rõ. Lỗ rốn dạng khe hẹp và nông.

          Nắp miệng: Hình bầu dục dài, khá dày với lớp sừng rất phát triển. Trục chính của nắp miệng tạo với trục vỏ một góc khoảng 40o. Nửa trên có xu hướng vuốt nhọn, nửa dưới tròn. Tâm nắp miệng lệch, từ đây các vòng sinh trưởng đồng tâm mở rộng ra vùng mép ngoài. Nắp miệng màu nâu đen ở mặt ngoài, mặt trong màu xanh tím.

          Kích thước (mm): Chiều cao vỏ (SH): 48–87, chiều rộng vỏ (SW): 30–68, tỷ lệ SH/SW 1,25–1,35, V: 15–32, chiều cao miệng vỏ (AH): 30–52; chiều rộng miệng vỏ (AW): 20–40

          Đặc điểm giới tính: Ốc nhồi Pila Polita thuộc nhóm loài giới tính phân biệt, có hoạt động ghép đôi sinh sản và thụ tinh trong. Giai đoạn ốc con cho đến tiền trưởng thành (trước khi thành thục sinh dục), khó phân biệt ốc đực và ốc cái qua đặc điểm hình thái ngoài. Ngoài ra, khi giải phẫu cơ quan sinh dục, có những khó khăn khi quan sát vì kích thước cơ quan sinh dục bé và chưa rõ ràng. Giai đoạn trưởng thành, có thể phân biệt sự khác nhau về giới tính qua một số đặc điểm hình thái ngoài cụ thể như sau:

Hình ảnh phân biệt ốc nhồi Pila Polita đực (A) và cái (B)

Bảng  phân biệt ốc nhồi Pila đực và ốc cái giai đoạn trưởng thành

Đặc điểm

Ốc đực

Ốc cái

Hình thái

-  Các  vòng  xoắn  sắc  nét,  rãnh xoắn sâu và rõ, phần tháp ốc có màu sắc xanh đen tương đối đồng nhất

- Các vòng xoắn không sắc nét, rãnh xoắn nông, mặt dưới dọc theo hai vòng cuối có màu vàng sáng

Giải phẫu

- Có gai giao phối nằm dưới mang ở góc xúc tu phải. Đây là cấu trúc cơ có thể co giãn, dài 3 mm.

- Tuyến sinh dục màu vàng nhạt, vị trí phía dưới tuyến gan tụy.

- Có lỗ sinh dục cái nằm ở dưới mang  gần  góc  xúc  tu bên phải 

- Tuyến sinh dục màu vàng sáng. Tuyến albumin màu vàng đậm lớn.

Kích thước ốc trưởng thành

- Loài Pila polita: Chiều cao > 40mm, chiều rộng > 32 mm

- Chiều cao > 45 mm, chiều rộng > 35 mm.

1.3. Đặc điểm sinh thái Ốc nhồi Pila Polita  

          - Môi trường sống và phạm vi phân bố:

          Ốc nhồi (Pila Polita) sống ở các vùng nước không bị ô nhiễm, nơi có hàm lượng mùn bã hữu cơ cao, đa dạng thực vật thủy sinh như ao, hồ, ruộng trũng, suối.

          Cũng như phần lớn các loài thuộc giống Pila, khả năng chịu đựng đối với các nhân tố môi trường (nhiệt độ, pH, độ mặn, nồng độ oxy,…) của chúng tương đối hẹp, chúng ít gặp hoặc không phân bố ở thủy vực nước lợ, thủy vực tù đọng, đầm lầy

          Ốc nhồi (Pila polita) phân bố ở Đông Nam Á và một số nước lân cận như Trung Quốc, Ấn Độ, Băng La Đét.

          Tại Việt Nam loài Pila Polita có phạm vi phân bố rộng trên toàn lãnh thổ nước ta từ Bắc vào Nam. Về điều kiện môi trường sống, Ốc nhồi (Pila Polita) sinh trưởng ở các thủy vực nước ngọt, những nơi có nhiều thực vật thủy sinh, nền đáy mềm, nhiệt độ môi trường nước dao động 20–300C.

          Ốc nhồi (Pila Polita) thích môi trường nước có dòng chảy nhẹ, không bị ô nhiễm, nhiều thực vật thủy sinh với các loài ưa thích như khoai nước, rong đuôi chó, rau muống, bèo tây, bèo cái, bèo hoa dâu, hoa súng....

          - Thức ăn và kẻ thù trong tự nhiên:

          Ốc nhồi thuộc nhóm ăn tạp, thức ăn trong tự nhiên gồm sinh vật phù du, rêu, tảo, thực vật thủy sinh, mùn bã hữu cơ, phân các loài gia súc, xác các loài động vật đang phân hủy. Ngoài ra, ốc còn rất thích lá khoai lang, rau muống, lá sắn, lá và thân non cây xuyến chi, thân cây chuối mục,…

          Trong điều kiện nuôi nhân tạo, có thể cho ốc ăn bổ sung thức ăn tự chế gồm cám gạo, bột ngô, bột sắn, bột đậu tương, bột cá hoặc thức ăn công nghiệp.

          Ốc nhồi (Pila Polita) là thức ăn ưa thích của nhiều loài trong các sinh cảnh tự nhiên, tiêu biểu như chuột, vì vậy cần phải quan tâm và có biện pháp quản lý tốt nguồn ốc trong ao nuôi. Ốc nhồi sống trong nước vì vậy nhiều loài như cá trắm đen, cá chép, rắn,… sử dụng ốc làm thức ăn. Vì vậy, đối với ao nuôi không được thả nuôi chung ốc với các loài trên. Trong các thủy vực nước ngọt, sự phân bố của ốc bươu vàng (Pomacea) dẫn đến cạnh tranh về dinh dưỡng, nơi sống với ốc nhồi, đây cũng là một trong các nguyên nhân gây suy giảm đáng kể số lượng ốc nhồi ngoài tự nhiên

          -  Các mối đe dọa đối với Ốc nhồi (Pila Polita) tại Việt Nam có thể khái quát thành 5 yếu tố:

          (1) Chế độ thủy văn và điều kiện vi khí hậu của các thủy vực bị tổn thương nghiêm trọng, chủ yếu do hoạt động của con người như dựng các đập thủy điện trên các sông và các phụ lưu…

          2) Suy giảm chất lượng nước hoặc nước bị ô nhiễm, đó là kết quả từ nhiều hoạt động như nạo vét, khai thác khoáng sản, chất thải từ khu dân cư và các nhà máy, hóa chất nông nghiệp, trầm tích bồi lắng do phá rừng…

          (3) Phá hủy hoặc mất nơi sống, nhiều diện tích thủy vực bao gồm ao, hồ, ruộng trũng, suối bị mất do áp lực của tăng dân số, quá trình đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp, nhà máy, chuyển đổi mục đích sử dụng,...

          (4) Do kích thước lớn, phân bố chủ yếu vùng ven bờ các thủy vực và hạn chế trong di chuyển nên hai loài Ốc nhồi (Pila Polita) dễ dàng bị thu bắt trong tự nhiên.

          (5) Xâm lấn của các loài ngoại lai, đặc biệt là 2 loài ốc bươu vàng Pomacea (P. canaliculata, P. maculata). Hiện nay, chúng rất phổ biến ở nước ta, chúng gây hại đáng kể cho nông nghiệp, thủy sản và tác động đến nhóm loài bản địa, trong đó có nhóm loài Ốc nhồi (Pila Polita) [5]

          - Đặc điểm sinh sản:

           Ốc nhồi (Pila Polita) thuộc nhóm loài giới tính phân biệt, có hoạt động ghép đôi sinh sản và thụ tinh trong. Hoạt động ghép đôi diễn ra chủ yếu vào ban đêm. Khi giao phối ốc cái và ốc đực xoay miệng chéo với nhau, cơ quan giao phối ốc đực phóng tinh trùng vào âm đạo và tử cung của ốc cái giúp tăng hiệu quả sinh sản. Thời gian giao phối có thể kéo dài 2-3 giờ.

          Ốc nhồi (Pila Polita) bắt đầu đẻ trứng vào cuối tháng 7, đẻ tập trung vào giữa tháng 8 và giảm dần ở tháng 9. Ốc đẻ trứng chủ yếu vào ban đêm (sau khi giao phối khoảng 8-10 ngày). Thời gian từ khi ốc cái tìm nơi đẻ đến khi rời tổ kéo dài khoảng 5-10 giờ. Ốc nhồi (Pila Polita)  đẻ trứng cách mặt nước khoảng 5-30 cm, trên các giá thể như bờ đất, thân cây khoai nước, bèo tây, rau muống, lá củ ấu, hốc đá, thân cây tre.

Hình ảnh về ốc nhồi P. polita đẻ trứng trên giá thể bờ đất (A) và lá củ ấu (B)

Ốc nhồi  (Pila Polita)  cái mỗi lần đẻ một ổ trứng, số lượng trứng trong mỗi ổ dao động 165- 285 trứng, trung bình 196 trứng. Sức sinh sản trung bình cho một con cái trong điều kiện thuận lợi là 196 trứng/1 lần đẻ.

          Nhiệt độ ấp trứng từ 20– 32oC, ổ trứng bắt đầu nở sau 22 ngày và nở toàn bộ sau 28 ngày (trừ những trứng bị hỏng).

          Từ khi quả trứng đầu tiên nở, phải sau 4–5 ngày thì ổ trứng mới hoàn tất quá trình nở.

1.4. Thực trạng nuôi ốc nhồi tại tỉnh Sơn La hiện nay

Do điều kiện thiên nhiên ưu đãi đã tạo cho Sơn La tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản và hàng hoá có lợi thế với quy mô lớn mà ít nơi có được đó là: Chè đặc sản chất lượng cao trên cao nguyên Mộc Châu, Nà Sản. Là một tỉnh có tiềm năng chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là đàn bò sữa đã được chăn nuôi thuần hoá trên 40 năm nay đang ngày càng phát triển, mở rộng được các nhà khoa học đánh giá là một trong những địa bàn lý tưởng để phát triển bò sữa, bò thịt chất lượng cao.

Sơn La có nguồn tài nguyên nước mặt rất phong phú, có mạng lưới sông suối dày, nhưng do đặc điểm địa hình và khí hậu nên mạng lưới sông suối phân bố không đều trên lãnh thổ. Mật độ sông suối trung bình từ 0,5 đến 1,8km/km2. Nằm ở vị trí đầu nguồn của 2 con sông lớn: Sông Đà, Sông Mã nên Sơn La không chỉ là địa bàn phòng hộ xung yếu cho vùng đồng bằng Bắc Bộ và 2 công trình thuỷ điện lớn nhất nước mà còn là địa bàn có tiềm năng để phát triển thủy sản lồng bè. Một số huyện như Mường La, Thuận Châu, Sơn, Quỳnh Nhai có diện tích ao hồ lớn rất luận lợi cho chăn nuôi thủy sản phát triển đặc biệt là Ốc nhồi.

Tuy vật qua điều tra của nhóm đề tài nghiên cứu kết quả cho thấy Ốc nhồi mới được một số hộ gia đình tại huyện Thuận Châu nuôi với quy mô vừa và nhỏ, trong ao. Việc nuôi ốc nhồi trong ao còn tồn tại một số hạn chế như chất lượng nước nuôi, số lượng ốc khó kiểm soát do vậy giải pháp nuôi ốc nhồi trong bể trong đó có bể lót bạt là giải pháp tốt nhất để kiểm soát được chất lượng môi trường nước nuôi, kiểm soát được số lượng ốc, lệ sống sót của ốc, từ đó xây dựng được công thức nuôi.

Việc nuôi ốc nhồi trong bể lót bạt còn gặp tồn tại, hạn chế như môi trường nước nuôi hẹp nên nước nhanh bị bẩn do chất thải của ốc và thức ăn dư thừa thối gây ô nhiễm môi trường nước nuôi, tiêu tốn nhiều nhân lực lao động để thay nước. Vì vậy vấn đề đặt ra là phải sử dụng chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường nước nuôi, tăng sức đề kháng cho ốc.

2Vài nét về chế phẩm sinh học EM

2.1. Tên gọi

          - Chế phẩm sinh học EM (Effective Microorganismas) hay còn gọi là Vi sinh vật hữu ích được GS.TS Teruo Higa (Nhật Bản) nuôi cấy thành công.Trong chế phẩm này có hơn 80 loài vi sinh vật kỵ khí và hiếm khí thuộc các nhóm: Vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn cố định Nitơ, xạ khuẩn, vi khuẩn lactic, nấm men…Chế phẩm sinh học EM hay chế phẩm EM gốc (chế phẩm EM1) thường được dùng để sản xuất ra các EM khác như: EM thứ cấp, EM5, EM-FPE, EM-Bokashi

          - Chế phẩm sinh học men vi sinh EM1 hay còn gọi là EM gốc là loại chế phẩm sinh học vi sinh không chỉ dành cho nuôi thủy sản cá tôm, mà chế phẩm sinh học EM1 hay EM gốc còn có rất nhiều ứng dụng cho chăn nuôi, trồng trọt, là loại chế phẩm xử lý môi trường nước, phân hủy mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa, kiểm soát khí độc cho ao nuôi thủy sản cá tôm, xử lý môi trường đất, là men tiêu hóa sống cho vật nuôi, cây trồng, kiểm soát dịch bệnh của thủy sản cá tôm và vật nuôi.

2.2. Thành phần chế phẩm sinh học EM1 (EM gốc):

          Dung dịch EM1 là chất lỏng, màu vàng nâu. Hoàn toàn vô hại với cây trồng, gia súc và con người, kỵ với các hoá chất. Cần được bảo quản nơi khô mát, có mùi thơm chua ngọt rất đặc trưng, độ pH dưới 3,5. Nếu độ pH trên 3,5 đặc biệt là trên 4, có mùi hắc hoặc thối là chế phẩm đã bị hỏng phải loại bỏ.

          Thành phần vi sinh vật chủ yếu trong chế phẩm EM bao gồm từ 80 – 120 loại vi sinh vật có ích chủ yếu thuộc 5 nhóm sau:

          + Vi khuẩn quang hợp: có tác động thúc đẩy các vi sinh vật khác nhau chuyển hóa chất dinh dưỡng từ khó tiêu sang dễ tiêu, phân hủy thức ăn dư thừa trong ao nuôi. Duy trì ổn định chất lượng nước, sự phát triển của tảo

          + Vi khuẩn axit lactic: có tác dụng khử trùng mạnh. Phân huỷ nhanh chất hữu cơ làm mất mùi thối, giảm khí độc như H2S, NO2, NO3,…và làm sạch môi trường đáy ao nuôi tôm cá. Chuyển hoá thức ăn khó tiêu thành thức ăn dễ tiêu, kìm hãm sự phát triển các vi khuẩn có hại

          + Men: tạo ra quá trình phát triển các chất sinh trưởng cho cây trồng và vi sinh vật.

          + Xạ khuẩn: có tác dụng phòng chống các vi sinh vật có hại, sản sinh chất kháng sinh ức chế, kìm hãm vi sinh vật gây bệnh phát triển trong ao nuôi giúp quản lý dịch bệnh trên cá, tôm và phân giải, phân hủy mạnh chất hữu cơ thức ăn dư thừa trong ao quản lý chất lượng nước tránh ô nhiễm. 

          + Nấm men: Phân hủy thức ăn dư thừa tác dụng khử mùi, làm sạch môi trường ao nuôi, sản sinh Vitamin và các axit amin.

          + Như vậy, các vi sinh vật hữu hiệu EM1 hoàn toàn có bản chất tự nhiên, sẵn có trong thiên nhiên. Quá trình sản xuất hoàn toàn là một quá trình lên men với các nguyên liệu tự nhiên, không chứa đựng bất cứ sinh vật lạ hoặc biến đổi di truyền nào cho nên hoàn toàn đảm bảo “an toàn sinh học”.

2.3. Tác dụng chế phẩm sinh học EM1

          - EM1 có nhiều ứng dụng trong cây trồng, làm phân bón vi sinh, vừa là một chất kích thích sinh trưởng cây trồng và vật nuôi thông qua việc ủ với thức ăn trước khi cho ăn. Vừa là một loại nông dược phòng ngừa dịch bệnh. Vừa là chất khử trùng và làm sạch môi trường… Trong nuôi trồng thủy sản cá, tôm EM1 có tác dụng chủ yếu sau đây:

          + EM1 thúc đẩy quá trình phân giải chất hữu cơ dư thừa trong đáy ao nuôi, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh vật có ích trong môi trường nuôi, kìm hãm hoạt động của vi sinh vật hại. Qua đó góp phần cải tạo chất lượng nước ao nuôi giảm rõ rệt các khí độc như: H2S, NO2, NO3, NH3… trong ao nuôi gây ra hiện tượng cá, tôm bị ngộ độc, thiếu oxy, nổi đầu hoặc chết hàng loạt…sự có mặt của EM1 giúp kìm hãm sự hoạt động, phát triển của vi sinh vật gây bệnh trên cá tôm, tăng khả năng miễn dịch cho cá tôm, kiểm soát dịch bệnh trong ao nuôi tôm cá với chi phí thấp hiệu quả cao, không tồn dư và an toàn bền vững cho nuôi cá tôm.

          + EM1 kiểm soát chất lượng nguồn nước, phòng tránh thối đáy trong nuôi thủy sản đặc biệt giai đoạn cuối nuôi. Xử lý ao tôm trước khi thả tôm, trong khi nuôi tôm và sau vụ thu hoạch tôm. Đặc biệt là tôm thẻ chân trắng và tôm sú nuôi công nghiệp mật độ dày, cũng như môi trường nuôi quảng canh, rất an toàn, thân thiện với môi trường và con người.

          + Chế phẩm EM1 còn có tác dụng là một loại men tiêu hóa thức ăn sống, các vi sinh vật, nấm men có trong chế phẩm EM1 sẽ tiêu hóa thức ăn cho cá tôm thay thế các loại men tiêu hóa giúp cho đường ruột tôm cá khỏe mạnh phòng tránh các bệnh đường ruột, chướng bụng sình hơi, ăn không tiêu....giảm chi phí sản xuất dùng thuốc men tiêu hóa.

          + Chế phẩm EM1 khi kết hợp với tỏi, Vitamin, các loại cây thảo mộc... là liều thuốc phòng trị bệnh cho thủy sản, cá tôm, ếch rất hiệu quả trong phòng trị bệnh thường gặp trên các loài thủy sản, an toàn với các loài thủy sản cá tôm, tạo ra các thực phẩm sạch an toàn sinh học.

 3. Quy trình Nuôi Ốc nhồi pila olita trong bể bạt và quy trình sử dụng chế phẩm EM1 để xử lý môi trường nước nuôi.

 3.1. Cách nuôi Ốc nhồi pila olitam trong bể bạt

Bể nuôi có kích thước tùy vào diện tích mặt bằng, diện tích tối thiểu 6m2, chiều cao tối thiểu 1m, mực nước 0,8m. Chiều rộng từ 2m trở lên, chiều dài từ 3m trở lên.

Vật liệu làm bể có thể là tre, nứa, gỗ, kim loại hoặc inox làm khung và bạt đủ kích thước để lót bể.

 Mặt bằng làm bể phải nhẵn, phẳng, êm không có đầu đinh, mối buộc nhô lên làm thủng bạt lót. Dưới đáy bể được lắp 01 ống thoát đáy bàng ống nhựa PV 60 có van đóng và xả nước.

Đáy bể được lót bằng 1 lớp bùn ao hoặc đất mềm dày 0,2m, dùng Clorua vôi hoặc vôi bột để xử lý đáy bể trước khi bơm nước vào bể ít nhất 7 ngày.

Dùng nước giếng hoặc nước suối sạch bơm vào bể nuôi, mặt nước bể nuôi được thả Bèo tây khoảng 1/3 diện tích để làm giá thể cho ốc. Sử dụng máy đo độ PH đạt từ 6,5 đến 7,5, nhiệt độ nước từ 20oC đến 30oC là có thể thả ốc giống.

Hình ảnh bể nuôi Ốc nhồi

Lựa chọn ốc giống có trọng lượng trung bình 0,4 đến 0,6 g/con và chiều cao vỏ 5mm, chiều rộng vỏ 4mm để thả. Khi thả ốc cần để ốc trên miếng xốp bọt biển để ốc từ từ bò xuống bể nuôi, không nên thả trực tiếp vào bể nuôi tránh ốc bị sốc do gặp môi trường mới đột ngột.

Cơ cấu khẩu phần ăn: 2/3 lượng thức ăn là Bèo tấm, rau xanh các loại …, 1/3 thức ăn cám gạo, bột ngô …. Một ngày chỉ cho ăn thức ăn tinh  01 lần vào 18h00' hàng ngày. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc, khoảng 5% đến 10% khối lượng ốc trong bể.  Cụ thể theo công thức trong bảng sau:

Bảng hướng dẫn cung cấp thức ăn cho Ốc với bể nuôi 600 cá thể ốc

Ngày nuôi

Tổng trong lượng TA

Trung bình (gam/ngày)

Trọng lượng TA Tinh

Trung bình  thức ăn tinh

(gam/ngày)

Trọng lượng thức ăn Thô

Trung bình thức ăn thô  (gam/ngày)

01-15

464,1

30,9

154,7

10,3

309,4

20,6

16- 30

787,7

53,0

262,6

18,0

525,1

35,0

31-45

1.338,9

89,0

446,3

30,0

892,6

60,0

46-60

2.276,9

152,0

759,0

51,0

1.517,9

101,0

61-75

3.912,2

261,0

1.304,1

87,0

2.608,1

174,0

75-90

6.746,8

450,0

2.248,9

150,0

4.497,9

300,0

91-105

11.635,3

776,0

3.878,4

259,0

7.756,9

517,0

106-123

25.565,9

1.420,0

8.522,0

473,0

17.043,9

947,0

Tổng

52.727,7

 

17.575,9

 

35.151,8

 

Chế độ thay nước: Tháng nuôi thứ nhất không thay nước, căn cứ vào chất lượng nước nuôi để thay 20% lượng nước trong bể nuôi/1 lần thay.

- Thời gian nuôi dưỡng từ 3,5 đến 4 tháng, khi ốc đạt trọng lượng từ 25 đến 30 com/kg có thể xuất bán, khi thu hoạch ốc cần lựa chọn những con có kích thước lớn để bán trước, những con nhỏ tiếp tục nuôi dưỡng để đủ kích thước mới thu hoạch.

3.2. Cách sử dụng chế phẩm EM1

          - Để giảm chi phí mua chế phẩm EM1 ta cần pha chế EM1 thành EM thứ cấp để sử dụng, cách pha chế EM2: 01lít EM1 + 2 lít gỉ đường + 37 lít nước = 40 lít EM2 (thứ cấp).  Dùng nước giếng đã lọc để pha chế dung dịch EM2 (thứ cấp).

          - Sử dụng chế phẩm EM2 xử lý đáy trước khi thả ốc 01 tuần theo công thức: Cho nước vào bể khoảng 20-30 cm rồi cho 01 lít EM2 (thứ cấp) đều khắp cho diện tích 25m2.

          - Sử dụng chế phẩm EM trong quá trình nuôi ốc theo công thức: 01 lít chế phẩm EM2 tạt cho 50m nước / 01 lần, quy  trình sử dụng như sau:

 Quy trình sử dụng chế phẩm sinh học EM1

TT

Tuổi của ốc

Số lần

Thời gian tạt

1

Tháng thứ nhất

15 ngày/1 lần

Ngày thứ 01,15

2

Tháng thứ 2

15 ngày/1 lần

Ngày thứ 30, 45,60

3

Tháng thứ 3

7 ngày/1 lần

Ngày thứ 67,74, 82, 90

4

Tháng thứ 4

15 ngày/1 lần

Ngày thứ 105, 120.

 

Tổng

5,5 lít EM2/ 11lần tạt/50m3

 

C. Kết luận

        Mô hình thí nghiệm nuôi Ốc nhồi (Pila polita) trong bể bạt có sử dụng chế phẩm sinh học EM1 để cải tạo môi trường nước nuôi chi phí đầu vào thấp, ít phải thay nước do dó không tốn công lao động , đồng thời khả năng sinh trưởng và phát triển của ốc cao hơn, kích thước sản phẩm lớn hơn, có thẩm mĩ hơn, khả năng sống sót cao hơn do đó năng xuất cao hơn so với nuôi bằn phương pháp thông thường. Do vậy mô hình nuôi Ốc nhồi (Pila polita) trong bể bạt có sử dung chế phẩm sinh học để xử lý và cải tạo môi trường nước nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với phương pháp nuôi thông thường.

          Nguồn bài viết:

          Báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả: Sa Bá Đình, Hoàng Vĩnh Lam, Phan Phúc Thịnh, Nguyễn Thị Thu Chung, Bùi Thị Thu.

          Nội dung:  “Xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình nuôi Ốc nhồi (Pila Polita) thương phẩm trong bể lót bạt có sử dụng chế phẩm sinh học EM1 để xử lý môi trường nước nuôi ốc quy mô hộ gia đình.”