Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam
Thực tế những năm qua, Quân đội ta đã triển khai xây dựng, phát huy tốt vai trò nòng cốt của 28 khu KTQP, tham gia phát triển KT-XH ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo; xây dựng các làng, bản thành phên giậu vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc; vùng sâu, vùng xa, vùng chiến lược trọng yếu.
Xây dựng QĐND là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội ta ngày càng mạnh lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng đã xác định phương hướng, mục tiêu: Xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh. Đến năm 2030, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng ưu tiên lên hiện đại hoàn thành hiện đại. Từ năm 2030 xây dựng QĐND hiện đại.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, trực tiếp là đường lối xây dựng LLVT nhân dân cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong tình hình mới, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, bước đầu đã đạt được kết quả quan trọng; bảo đảm sự cân đối, tương đối đồng bộ giữa các quân chủng, binh chủng, giữa cơ quan và đơn vị, giữa lực lượng thường trực và lực lượng DBĐV.
Để thực hiện xây dựng QĐND hiện đại, trong những năm qua, công nghiệp quốc phòng từng bước phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho LLVT và góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất được một số loại vũ khí chiến lược cần thiết cho phòng thủ đất nước; từng bước bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đáp ứng kịp thời vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, bảo vệ biển, đảo, bảo đảm cân đối dự trữ trên các hướng chiến lược.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ BVTQ, vừa góp phần quan trọng phát triển KT-XH.
Đại hội XIII của Đảng xác định xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, chất lượng ngày càng cao; là một thành phần của QĐND; là lực lượng quan trọng góp phần xây dựng nền QPTD, thế trận chiến tranh nhân dân; sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực khi có yêu cầu; đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Thực hiện “ngụ binh ư nông”, lực lượng DBĐV được tổ chức, sắp xếp theo hướng gọn đầu mối, địa bàn, cân đối giữa các vùng miền, có tổ chức và quân số phù hợp, đáp ứng yêu cầu động viên cả thời bình và thời chiến.
Thực hiện “trăm họ là binh”, trong các cuộc huấn luyện, diễn tập, Bộ Quốc phòng đều gắn lực lượng DQTV với các nhiệm vụ để phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các lực lượng; đã xây dựng các chốt chiến đấu dân quân thường trực nơi biên giới với các chốt dân cử tăng cường lực lượng nơi biên giới. Vừa qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Bộ Chính trị và Chính phủ triển khai Đề án xây dựng hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; sẽ tổ chức trước ở 14/28 tỉnh có biển.
Xây dựng thế trận quốc phòng
Cùng với xây dựng "thế trận lòng dân", kết hợp QPAN với KT-XH; xây dựng thế trận quốc phòng cần phải: Xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) quân khu vững mạnh toàn diện; xây dựng các tỉnh, thành phố thành KVPT vững chắc; xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: KVPT, bao gồm các hoạt động về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại; được tổ chức theo địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, lấy xây dựng cấp xã làm nền tảng để bảo vệ địa phương.
Trong thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Chính trị khóa X đã có Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các nghị định, quyết định để tổ chức, triển khai thực hiện, như: Nghị định số 30/2010/NĐ-CP, Nghị định số 130/2015/NĐ-CP về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển; Quyết định số 2412/2011/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển KT-XH trên địa bàn cả nước giai đoạn 2011-2020...
Với quan điểm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”, thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả đáp ứng yêu cầu từ huấn luyện, diễn tập đến xây dựng các công trình chiến đấu, công trình bảo đảm cho chiến đấu (căn cứ hậu cần, kỹ thuật, căn cứ hậu phương). Đã huy động mọi nguồn lực với trách nhiệm của các tổ chức chính trị và của toàn dân, toàn quân.