Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức cuộc họp giới thiệu Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến tăng cường hiệu quả của hoạt động giáo dục hướng nghiệp, định hướng cho học sinh về các lĩnh vực ngành nghề mới.
Cho học sinh trải nghiệm để không "cưỡi ngựa xem hoa"
Một số đại biểu tham gia chương trình đặt vấn đề: Việc định hướng nghề trong các nhà trường trong giai đoạn vừa qua nhiều khi còn "cưỡi ngựa xem hoa", không thực tế, không sâu khiến cho học sinh không thấy hứng thú vào việc định hướng nghề nghiệp. Đây là một yếu tố quan trọng bên cạnh những môn học văn hóa.
Vậy những quyết định mới có những điểm gì để thay đổi quan niệm của nhà trường và giáo viên trong việc định hướng nghề cho học sinh?
Dưới góc độ nhà trường, bà Hoàng Thị Mận - Phó hiệu trưởng Trường THCS&THPT Newton (Hà Nội) cho biết, không phải đến khi có thông tư này thì các nhà trường mới biết đến khái niệm dạy và học về giáo dục hướng nghiệp, mà các trường đã làm rồi. Bây giờ khi đã có thông tư, việc này sẽ được thực hiện một cách cụ thể hơn.
Tùy vào cách làm của các nhà trường mà việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh là thiết thực hay "cưỡi ngựa xem hoa".
Học sinh trong một buổi nghe tư vấn hướng nghiệp tại trường
Đó là các hoạt động rất phổ biến mà có thể làm được, thậm chí có thể trở thành một điểm nhấn trong chương trình của nhà trường. Chính là việc xây dựng được chuỗi các hoạt động trải nghiệm có tính chất liên kết giữa ở các lớp khác nhau trong cùng một bậc học, hoặc các bậc học khác nhau trong những trường liên cấp.
Song song với các trải nghiệm này, nhà trường có thể tổ chức những buổi diễn đàn tư vấn, khởi nghiệp, mời những người thành công, những CEO về để truyền cảm hứng cho học sinh, hướng dẫn học sinh. Hay giản dị hơn là những buổi tư vấn tuyển sinh của các trường đại học.
Khi triển khai được như vậy thì các trường sẽ có cơ chế để có bộ phận chuyên trách, hay kiêm nhiệm một cách rõ nét mảng tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, có thể tích hợp trong các phòng tư vấn tâm lý hướng nghiệp của nhà trường.
Quan trọng nhất vẫn là việc chúng ta phát triển được một chương trình ở trong nhà trường phù hợp với điều kiện của học sinh và nhà trường, nhưng có tính hệ thống và linh hoạt giữa các lớp trong một bậc học.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Tiến Dũng - Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên nhận định, công tác hướng nghiệp hiện nay chưa không có quy trình nhất định, bỏ qua cấp Tiểu học, lên Trung học cơ sở dạy như "cưỡi ngựa xem hoa", đến Trung học phổ thông mới bắt đầu đi vào một vài tiết giới thiệu rất mờ nhạt, các trường Đại học đến thì chỉ mang tính chất tuyển sinh giới thiệu về trường chứ chưa giúp học sinh hiểu sâu về nghề.
"Lên đại học cũng vậy, rất nhiều người lên đại học năm thứ 2,3 rồi mới phát hiện mình không phù hợp với nghề và phải bỏ.
Tôi nhớ có một anh sinh viên học rất giỏi, học ngành Y nhưng mà đến lúc phát hiện ra là sợ máu và chuyển sang học trong ngành Giáo dục. Bây giờ anh ấy là một người khá nổi tiếng trong ngành giáo dục rồi.
Trước đây chúng ta làm có một lỗ hổng như vậy cho nên không nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh. Chúng ta không có sự quan tâm, định hướng chỉ đạo từ cấp Bộ để tạo thành sự liền mạch.
Thông tư này với việc bổ sung cấp tiểu học vào là bước tiến rất mạnh dạn của Bộ nhưng đúng và phù hợp với xu thế. Bước đầu tiên tạo cho phụ huynh sự đồng thuận, sự nhìn nhận trên cơ sở khoa học của Bộ cũng như của các cơ quan tham mưu.
Để phụ huynh đồng thuận thì cần có cả quá trình dài chứ không phải ngay lập tức. Và quá trình đó người ta nhận ra được cái giá trị thể hiện ngay chính học sinh. Học sinh ngày xưa khi hỏi về nghề nghiệp của bố thì có thể không biết gì, nhưng bây giờ học sinh hỏi han, chia sẻ với bố về nghề nghiệp, như thế phụ huynh có thể bước đầu đánh giá được hiệu quả trong công tác giáo dục này", ông Dũng nhận định.
Giúp học sinh hiểu về những ngành nghề mới
Đại biểu nêu băn khoăn: Các ngành nghề mới liên tục xuất hiện, nhưng không phải ai trong xã hội cũng hiểu rõ về các nghề mới. Vậy thông tư này thực hiện việc định hướng cho học sinh tự nắm rõ năng lực bản thân như thế nào để hiểu về ngành nghề mới?
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên - Bộ GD&ĐT cho biết, nghề mới là một lĩnh vực rất nóng hiện nay.
"Năm 2018, tôi đến trường Đại học Công nghệ Sydney (Úc), trường này có một khoa không có tên gì cả, tức là khoa luôn luôn đổi mới, luôn nghĩ ra những nội dung mới và không có một cái tên gãy gọn truyền thống. Họ tiên lượng những ngành nghề nào trong 5 - 10 năm tới sẽ bị khai tử.
Những nghề mới ra nó rất quan trọng, điều này giúp ích cho việc định hướng nghề nghiệp. Nghề mới gần đây là một mảng nhỏ trong việc hướng nghiệp nhưng nó là vấn đề toàn cầu và hội nhập quốc tế, nó giúp cho công tác hướng nghiệp tốt hơn", Ông Linh nói.
Ông Linh cho biết thêm, chúng ta đã hướng đến việc phụ huynh tham gia vào quá trình tổ chức hoạt động nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp.
"Qua theo dõi mấy năm vừa qua, tôi trực tiếp xuống một số trường ở Hải Phòng, Hà Nội,… Họ có những buổi nhà trường mời các chuyên gia về tư vấn với toàn phụ huynh của khối lớp 12, sau đó là khối lớp 11, lớp 9...
Việc tôn trọng sự lựa chọn của con em mình sẽ giúp cho quá trình quản lý, hỗ trợ và quá trình tư học của học sinh được tốt nhất. Trách nhiệm của ngành Giáo dục là cung cấp các thông tin cho cả người học và phụ huynh, hai bên đồng thuận để tiến đến những sự lựa chọn", ông Linh nói.
Đó là các hoạt động rất phổ biến mà có thể làm được, thậm chí có thể trở thành một điểm nhấn trong chương trình của nhà trường. Chính là việc xây dựng được chuỗi các hoạt động trải nghiệm có tính chất liên kết giữa ở các lớp khác nhau trong cùng một bậc học, hoặc các bậc học khác nhau trong những trường liên cấp.
"Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, giải quyết được một số vấn đề tồn tại hạn chế trong việc triển khai công tác này trong các cơ sở giáo dục.
Các điều khoản trong Thông tư được triển khai rộng trong toàn quốc sẽ giúp người học đầy đủ các kỹ năng, đáp ứng giáo dục toàn diện cho học sinh, đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.
Việc đưa công tác hỗ trợ khởi nghiệp vào nhà trường chính là để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng và động lực trong học tập, rèn luyện giúp người học có tinh thần phục vụ cộng đồng, xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.
Nếu triển khai tốt công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành giáo dục bước đầu sẽ tạo được động lực cho học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, hình thành ý thức, tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp.
Việc đưa dạy học khởi nghiệp sớm vào nhà trường nhằm trang bị cho người học kiến thức về đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, phương pháp học tập, có kỹ năng xử lý giải quyết vấn đề hiệu quả, có khả năng ứng dụng các kỹ năng về đổi mới sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện. Khởi nghiệp chính là công cụ để hiện thực việc vốn hóa nguồn tri thức, góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội", Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên - Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Dân Trí