Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một trong những dòng chảy chính của thời đại, bất cứ quốc gia nào muốn không bị tụt hậu thì nhất thiết phải nhanh chóng tiếp cận, bắt kịp những thành tựu tiến bộ của khoa học-công nghệ để thúc đẩy đất nước phát triển. Với ý nghĩa đó, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2020 ở nước ta đã chọn chủ đề “Chuyển đổi số thúc đẩy học tập suốt đời” khởi động từ ngày 1 đến 7-10 nhằm khích lệ và nhắc nhớ mọi người dân nhận thức rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại 4.0.
Trong điều kiện cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, việc khai thác, phát huy tối đa ưu thế của công nghệ số để chuyển đổi hình thức học tập không chỉ tạo cơ hội cho mỗi người tiếp cận, thích ứng với nhiều phương pháp học tập mới trên internet, trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber...), mà còn thúc đẩy phong trào học tập trực tuyến phát triển cả về quy mô và chất lượng trong cộng đồng, nhất là giới trẻ. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học và hoạt động thư viện, tạo tiền đề cho các cơ sở giáo dục xây dựng, thu thập và khai thác các tài nguyên giáo dục mở hữu ích (bài giảng điện tử, sách báo điện tử...) để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời, học tập mọi nơi, mọi lúc của mọi người dân.
Theo nhận định của các chuyên gia, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của xã hội. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đưa một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước nhằm mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội và giúp tiết kiệm chi phí, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Điều tiên quyết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số chính là làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội và xác định người dân là trung tâm của quá trình chuyển đổi.
Thời nay, mỗi người nếu không muốn tụt lại phía sau thì không thể không quan tâm đến chuyển đổi số, không thể không coi trọng việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ số để tìm kiếm thông tin, tiếp cận tri thức, tích cực học tập nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng với yêu cầu công việc. Khi tri thức nhân loại hằng ngày, hằng giờ tăng lên theo cấp số nhân, thì việc học tập suốt đời với việc chủ động khai thác các nguồn tài nguyên giáo dục mở phong phú trên nền tảng công nghệ như: Internet cho vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)... sẽ giúp chúng ta tự làm giàu kiến thức, văn hóa cho chính mình.
Tuy vậy, để người dân, nhất là người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận chương trình chuyển đổi số, đòi hỏi chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; tổ chức các lớp hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng phù hợp để giúp những người dân nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội có điều kiện học tập trực tuyến, nâng cao trình độ. Tạo điều kiện bình đẳng cho mọi người dân được học tập để thích ứng với chuyển đổi số là góp phần thực hiện và bảo đảm chính sách công bằng trong giáo dục theo chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.